Tự chữa Covid-19 theo ‘bác sĩ mạng’: Đừng đùa với mạng sống

Quang Thành - Lan Anh 20/08/2021 05:30

Trước sự quan tâm của dư luận về điều trị Covid-19, nhiều bài thuốc, loại thuốc từ Đông y lẫn Tây y xuất hiện trên mạng xã hội đã nhận được hàng trăm nghìn lượt chia sẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc tự ý chữa trị theo “bác sĩ mạng” có thể gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian gần đây, Trung tâm chống dộc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt Paracetamol để chữa Covid-19 theo các bài thuốc lan truyền trên mạng xã hội. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên tùy tiện áp dụng, cần cẩn trọng trước các bài thuốc không rõ nguồn gốc lan truyền trên mạng xã hội. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến bệnh là đáng khuyến khích, tuy nhiên không tự điều trị theo hướng dẫn của các “bác sĩ mạng”, dễ gây ra những hậu quả khôn lường. Không chỉ là người từ vùng dịch về mà bất kỳ ai khi có triệu chứng ho, sốt... nên liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Nhiều "bài thuốc" Đông - Tây y từ "bác sĩ mạng"

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lợi dụng tinh thần bất an, tâm lý lo lắng của nhân dân về các tác dụng phụ của vaccine, trên mạng xã hội xuất hiện không ít các “bài thuốc” không rõ nguồn gốc hướng dẫn về cách tự chữa Covid-19 tại nhà.

Cụ thể, trên mạng xã hội lan truyền một bài thuốc Đông Tây y kết hợp điều trị nhiễm Covid-19 bằng Paracetamol và xông trong 7 ngày liên tục: “Xông hơi bằng sả, dầu, 1 muỗng cafe giấm (con virus nấm nó sợ chua), xông 2 lần mỗi ngày. Uống nước chanh nóng hàng ngày, nếu người lớn tuổi thì thêm vài lát gừng vào cho ổn định huyết áp. Một ngày 1 viên vitamin C, sốt thì uống Paracetamol hạ sốt, uống Aspirin chống đông máu cục. Đeo khẩu trang khi ra đường, nhớ thoa dầu gió vào lỗ mũi. Chú ý: Loại virus này nó sợ nóng, sợ dầu nên thoa dầu, hít dầu nhiều lần”.

Lại có người bày cách: “Ngày 3 lần, mỗi lần nhai 3 tép tỏi, uống nhiều nước chanh gừng hoặc trà gừng, xông hơi với gừng, sả, tỏi, hành tím và dầu gió. Uống thêm 1 viên Aspirin và 1 viên Amoxicillin trong trường hợp thấy khó thở…”

Hầu hết các hướng dẫn này đều được những “bác sĩ mạng” đầu tư về mặt hình ảnh, cố gắng làm một bản hướng dẫn thật chuyên nghiệp nhằm gây ấn tượng với người đọc.

Thoạt nhìn, các bài thuốc trên đang cố gắng phân loại triệu chứng và đưa ra phác đồ điều trị chi tiết theo hướng triệu chứng bệnh qua từng ngày. Thậm chí, một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị Covid-19 theo quan điểm đó.

Không chỉ người dùng mạng xã hội, đã có những người nổi tiếng cũng chia sẻ các phương pháp điều trị Covid-19 tại nhà. Mấy ngày gần đây, diễn viên Angela Phương Trinh khiến cộng đồng mạng xôn xao khi liên tục đăng tải bải viết chia sẻ cách điều trị Covid-19 bằng địa long (giun đất).

Nữ diễn viên cho rằng, việc điều trị trên có cơ sở khoa học và tác dụng vô cùng lớn: “Trong đại dịch Covid này, địa long không những hữu ích để phòng và điều trị các bệnh lý do Covid gây ra mà còn đồng thời giúp chữa luôn các bệnh nền đã có từ lâu của người nhiễm Covid”.

Cô cũng chia sẻ, cổ xúy nhiều thông tin về những người được cho là đã “âm tính” sau khi điều trị bằng phương pháp dân gian, trong đó có sử dụng địa long - ăn giun đất tươi: “Ngày thứ nhất, 2 lần mỗi lần 3 con cỡ trung bình… ngày thứ hai vẫn 2 lần nhưng tăng lên mỗi lần 5 con kèm địa long khô… đến ngày thứ tư và năm vẫn 2 lần mỗi lần 5 con địa long tươi (nuốt sống)… Thậm chí, trong một bài viết hôm 18/8, người đẹp này khẳng định địa long hỗ trợ điều trị Covid-19 và việc lan truyền những bài thuốc về địa long “không có gì sai trái với đạo đức hay pháp luật”.

Việc Angela Phương Trinh chia sẻ nội dung trên kèm theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM (trong đó có nội dung tăng cường công tác truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp) đã khiến không ít người hiểu lầm rằng, địa long thực sự có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Ngay sau khi đăng tải, bài viết đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Không ít người cho rằng, địa long là một vị thuốc trong Đông y, tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào về tác dụng của nó trong việc điều trị Covid-19. Người có sức ảnh hưởng như Angela Phương Trinh chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng dễ gây hoang mang trong dư luận.

Diễn viên Angela Phương Trinh chia sẻ nội dung “nuốt địa long 5 ngày hết Covid-19”.

Hậu quả khó lường

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền khẳng định, về nguyên tắc, y học cổ truyền có khả năng “tham gia” chữa trị triệu chứng cho bệnh nhân Covid-19 nhưng không thể để người bệnh tự chữa được. Bởi đây là bệnh cấp tính, người bệnh cần được bác sĩ có chuyên môn khám, tư vấn và kê đơn thuốc.

Về mặt lý thuyết, căn cứ vào tổng kết kinh nghiệm và các triệu chứng của Covid-19, khi bệnh diễn tiến nặng sẽ “kéo” xuống phổi, người bệnh có thể gặp tình trạng đông máu trong thành mạch. Đối chiếu với Đông y, đây được coi là vấn đề liên quan đến “khí huyết”, người ta có thể dùng “phép hoạt huyết” để điều trị.

Việc xác định tình trạng bệnh này cần bác sĩ có chuyên môn, khám và tư vấn thuốc, nếu bị “ứ huyết” mới có thể áp dụng “phép hoạt huyết”, nếu không bị tình trạng trên mà dùng sai là “lợi bất cập hại”, bệnh sẽ biến chuyển nặng lên rất nhiều.

Trong đó, “địa long” là một vị thuốc Đông y có có thể dùng làm tan huyết, chống đông máu rải rác. Tuy nhiên, không thể tự ý dùng một cách tràn lan, có thể gây nguy hiểm. Bởi bản thân địa long là chất có tính hàn, khi sử dụng cần dùng kèm với một số loại thuốc khác, hơn nữa “thể nhiệt” thì mới được dùng các loại thuốc có tính hàn.

PGS. TS Phạm Vũ Khánh cũng thông tin thêm, đối với việc dùng địa long tươi chữa bệnh Covid-19 là nghiêm cấm, rất có hại. Nhiều người nhiễm Covid-19 có những triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đại tiện lỏng mà dùng địa long thì tình trạng bệnh càng nặng thêm rất nhiều.

“Không thể tự ý sử dụng địa long, nếu muốn sử dụng, người bệnh cần được xét nghiệm, khám cụ thể về tình trạng đông máu và các chỉ số khác. Nếu trong trường hợp có thể sử dụng cũng cần dùng đúng liều lượng và người bệnh phải được theo dõi hàng ngày bởi đây là bệnh cấp tính, không thể dùng dài ngày như những loại bệnh mãn tính” - ông Khánh khuyến cáo.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Theo khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này. b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.

Luật sư Tiền cũng cảnh báo: Việc tin tưởng những lời quảng cáo mà sử dụng phải các sản phẩm chưa được kiểm định chất lượng, hậu quả sẽ rất khôn lường. Các cá nhân vì mục đích trục lợi mà quảng cáo thuốc kém chất lượng rất đáng bị lên án. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là tăng cường giám sát, xử lý. Bên cạnh việc trông cậy vào cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tự chuẩn bị cho mình một tinh thần sáng suốt, tránh bị rơi vào bẫy lừa gạt với các sản phẩm quảng cáo...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chữa Covid-19 theo ‘bác sĩ mạng’: Đừng đùa với mạng sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO