Tự do làm giả?

Lê Anh Đức 23/12/2016 09:51

Bộ Y tế vừa có động thái khiến dư luận xã hội phải “hoan hô nhiệt liệt”, đó là việc cơ quan này yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh phải giải trình thông tin về sản phẩm khẩu trang y tế “vỏ Nhật Bản, ruột gia công” sản xuất tại địa phương này, báo cáo trước ngày 26/12. Ơn giời, nhờ có “nhà đài quốc gia” mà người dân không còn phải chịu cảnh “tiền mất, tật vẫn mang”. Song, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có câu trả lời về việc tự do sản xuất hàng giả trong thời gian dài trên địa bàn tỉnh Bắc

Trên chương trình VTV1 phát sóng ngày 19/12, Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh thực trạng ở một số địa phương bán nhan nhản khẩu trang y tế với bao bì, nhãn mác của Nhật Bản, nhưng sản phẩm bên trong lại được sản xuất gia công tại tỉnh Bắc Ninh, không đảm bảo chất lượng.

Nghe tin, Bộ Y tế với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đã gửi Công văn số 8996/BYT-TB-CT yêu cầu Sở Y tế Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời trong phạm vi cả nước.

Lạ một điều là các cơ sở sản xuất sản phẩm khẩu trang giả Nhật lại có thể tồn tại công khai trong một thời gian dài mà các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế và chống hàng giả lại không hề biết, không phát hiện được.

Lạ hơn nữa là thứ hàng “rổm” đó không chỉ được tự do sản xuất mà còn được bày bán công khai tại các cửa hàng bán thuốc. Chính vì “sự lạ” nên người ta nghi ngờ có sự dung túng, bao che, thậm chí là bảo kê cho hành vi sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng giả.

Thôi thì Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) có trách nhiệm quản lý nhà nước trên toàn quốc, trong khi “lực lượng mỏng”, vả lại ở tận trên Trung ương thì không phát hiện được đã đành một nhẽ. Song, Sở Y tế, cơ quan quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh... lẽ nào không phát hiện được các cơ sở sản xuất hàng giả trên địa bàn do mình quản lý?

Cứ cho là không phát hiện được các cơ sở sản xuất hàng giả vì họ có “thủ đoạn và mánh khóe tinh vi”, nhưng lẽ nào khi sản phẩm kém chất lượng đó lưu thông, tiêu thụ công khai trên thị trường cũng không phát hiện được? Lạ thật!

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP quy định việc quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định 36 yêu cầu trang thiết bị y tế phải đảm bảo cung cấp đầy đủ tên nhà sản xuất, nhãn hiệu, thiết kế, tên thương mại... để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chủ sở hữu trang thiết bị y tế phải chịu trách nhiệm về thiết kế, sản xuất, lắp ráp, xử lý, nhãn mác, bao bì, hoặc thay đổi sửa chữa trang thiết bị y tế...

Cụ thể, tại Điều 3, Nghị định 36 nêu rõ về nguyên tắc quản lý trang thiết bị y tế là phải bảo đảm chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả; thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về đặc tính kỹ thuật, công dụng của trang thiết bị y tế và các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra đối với người sử dụng; bảo đảm truy xuất nguồn gốc của trang thiết bị y tế; quản lý trang thiết bị y tế phải dựa trên phân loại về mức độ rủi ro và tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, thừa nhận... theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo quy định tại Nghị định 36 thì khẩu trang y tế “vỏ Nhật Bản, ruột gia công” sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm nghiêm trọng cả về nhãn mác, tên nhà sản xuất, cũng như mức độ rủi ro cho người sử dụng.

Vậy nhưng những cơ sở sản xuất khẩu trang giả Nhật này đã tồn tại trong một thời gian dài, tung ra thị trường tiêu thụ không biết bao nhiêu sản phẩm kém chất lượng chứng tỏ các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã buông lỏng quản lý, nếu như không muốn nói là “mắt nhắm, mắt mở”, dung túng cho các cơ sở sản xuất hàng giả.

Theo quy chuẩn, một chiếc khẩu trang y tế “xịn” được coi là đảm bảo chất lượng phải gồm nhiều lớp, có tác dụng ngăn chặn hiệu quả bụi, khuẩn và các tác nhân có hại khác cho người sử dụng.

Trong khi đó, những chiếc khẩu trang y tế “vỏ Nhật Bản, ruột gia công” được sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không chỉ mỏng manh, “tan” ra khi gặp nước, mà ngay cả chức năng ngăn khói, bụi cũng không được, nói gì đến ngăn chặn vi khuẩn.

Thật đáng giận với thói làm ăn gian dối, chộp giật, chỉ nhăm nhăm thu lợi mà không quan tâm đến hậu quả xấu đối với người sử dụng.

Cũng còn may cho người dân là mức độ ô nhiễm khói bụi ở nước ta chưa đến mức quá nghiêm trọng nên việc “tậu” phải một khẩu trang giả không đến nỗi là bỏ tiền ra để rước bệnh ung thư phổi vào người.

Song, thử giả thiết nếu những chiếc khẩu trang y tế giả đó được lưu hành trong các bệnh viện, nhất là những nơi chuyên chữa trị các loại bệnh lây nhiễm thì hậu quả thật ngoài sức tưởng tượng.

Gọi là giả thiết thôi chứ việc các sản phẩm khẩu trang y tế giả có thể tự do sản xuất, lưu thông, tiêu thụ công khai thì ai dám chắc là nó không thể len lỏi vào trong các bệnh viện?

Hiện, chưa có hậu quả nghiêm trọng nào xảy ra đối với hành vi sản xuất, lưu thông và tiêu thụ khẩu trang y tế giả trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Song, dư luận vẫn đòi hỏi ngoài việc xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm hàng giả đối với chủ các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế “vỏ Nhật Bản, ruột gia công”, thì cũng cần làm rõ ai, cơ quan nào dung túng, tiếp tay cho việc tự do làm giả trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự do làm giả?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO