Tu sửa gấp giếng Thiên Quang

Minh Quân 17/07/2017 09:30

TS Lê Xuân Kiêu- Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết: Hiện nay, khu vực giếng Thiên Quang đang xuống cấp trầm trọng.

Giếng Thiên Quang trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được quây tôn chờ xử lý.

Vào lúc 16h45 ngày 27/3, tại khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10m) bao quanh hồ, khu vực đối diện với cổng Đại Trung bị sụt, làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống. Hiện tượng này cũng diễn ra tại khu vực đối diện với Khuê Văn Các lúc 11h15 ngày 28/3.

Được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở VHTT Hà Nội, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm kiểm định xây dựng tiến hành khảo sát, kiểm định đánh giá chất lượng công trình giếng Thiên Quang. Quá trình khảo sát ban đầu cho thấy, hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng được xác định là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ, vữa vôi, không có xi măng cốt thép, để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp.

Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với nền đất khu vực giếng Thiên Quang rất yếu, nên đã dẫn đến hiện tượng sụt lún trên. Việc trôi móng tường lan can bao quanh giếng Thiên Quang nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm cho hệ thống tường lan can bao quanh giếng sụp đổ, gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan của di tích. Mặt khác, do ảnh hưởng của người đi lại xung quanh tác động lên nền đất yếu cũng khiến mặt nền bị lún sụt (biểu hiện là các hàng gạch lát trên đường dạo xung quanh giếng nhiều chỗ đã bị lún, nứt mạch). “Trong tuần này trung tâm sẽ trình lên Sở VHTT Hà Nội phương án tu bổ giếng Thiên Quang. Việc tu bổ là cấp thiết”- ông Kiêu cho hay.

Trước đó, theo phương án tu sửa cấp thiết do đơn vị tư vấn đề xuất, để công trình bền vững lâu dài, di tích cần được tiến hành cải tạo tổng thể trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững. Cụ thể là giữ nguyên các bộ phận công trình chưa bị hư hỏng, gia cố toàn bộ móng, kè bờ bằng các phương pháp: Xây chèn đá hộc vào đế móng; bơm bê tông vào các chỗ rỗng, hở; chắn đất, chống sạt lở chân móng…

Quá trình thi công cần có biện pháp chống đỡ nhằm bảo đảm an toàn cho con người và công trình cũng như cần thường xuyên theo dõi, quan trắc, dấu hiệu nguy hiểm để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, về phương án cụ thể, PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: “Khi đã xem xét, lựa chọn được phương án tu bổ tối ưu, các cơ quan chức năng có liên quan cần áp dụng những quy định có lợi nhất cho di tích, rút ngắn thời gian giải quyết quy trình, thủ tục… để tránh xảy ra tình trạng di tích xuống cấp không thể cứu vãn”.

Hiện tại, khu vực giếng Thiên Quang đã được che bạt, làm hàng rào quanh công trình, đồng thời tổ chức phân luồng, đặt biển cảnh báo khách tham quan không lại gần khu vực đang xảy ra sự cố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tu sửa gấp giếng Thiên Quang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO