Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên áp dụng thế nào?

PV (theo VGP) 07/12/2018 16:00

Giờ chuẩn theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT là đơn vị thời gian quy đổi để thực hiện một công việc tương đương cho 1 tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng, đại học trực tiếp trên lớp, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.

Ông Lê Trọng Vinh (TP Hồ Chí Minh) phản ánh, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy đổi giờ giảng dạy của giảng viên theo Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014, thì: “nghiên cứu để tính ra định mức giờ chuẩn cho thấy: 3,3 giờ hành chính ≈ 1 giờ chuẩn. Như vậy, 270 giờ chuẩn ≈ 900 giờ làm việc hành chính”.

Ông Vinh đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, cơ sở để tính 1 giờ chuẩn bằng 3,3 giờ hành chính như thế nào? Giảng viên vượt chuẩn 200 giờ/năm theo luật lao động là giờ hành chính hay giờ chuẩn? Nếu là giờ chuẩn thì phải nhân với 3,3 phải không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Căn cứ tính giờ chuẩn

Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giảng viên có hiệu lực thi hành từ ngày 25/3/2015.

Theo đó, giờ chuẩn quy định là đơn vị thời gian quy đổi để thực hiện một công việc tương đương cho 1 tiết giảng lý thuyết trình độ cao đẳng, đại học trực tiếp trên lớp, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.

Để có 1 tiết lên lớp, giảng viên phải thực hiện các công việc: Nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác giảng dạy, xây dựng kịch bản lên lớp, soạn giáo án giảng dạy, chuẩn bị thực hành, thảo luận (nếu có) và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện giờ giảng.

Ngoài ra sau giờ giảng, giảng viên phải chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiểm tra, đánh giá và cho điểm đối với người học. Các hoạt động trên nhằm phục vụ tốt cho giảng dạy của giảng viên, tuy nhiên rất khó để xác định một cách chi tiết, cụ thể mà được kết tinh trong giờ giảng trực tiếp trên lớp.

Tất cả các hoạt động tính toán để quy đổi ra giờ chuẩn giảng dạy được đề xuất từ kết quả nghiên cứu về hao phí lao động trong hoạt động giảng dạy (kết quả nghiên cứu trong đề tài trọng điểm cấp Bộ đã được nghiệm thu do trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện). Kết quả nghiên cứu để tính ra định mức giờ chuẩn cho thấy: Cần có ≈ 3,3 giờ hành chính để hoàn thành 1 giờ chuẩn. Như vậy, 270 giờ chuẩn ≈ 900 giờ làm việc hành chính (nhiệm vụ giảng dạy chiếm khoảng 50% tổng quỹ thời gian làm việc).

Để có thể nắm rõ về hao phí lao động trong hoạt động giảng dạy, đề nghị ông Lê Trọng Vinh nghiên cứu thêm về môn học kinh tế lao động và các môn học liên quan đến định mức và hao phí lao động.

Chế độ làm việc phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của đơn vị

Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

“2. Người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm…”.

Tại Điều 9 Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT đã quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, cụ thể:

“Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ quy định tại Thông tư này, đặc thù của từng bộ môn, chuyên ngành đào tạo và điều kiện cụ thể của đơn vị ban hành văn bản quy định chi tiết chế độ làm việc của giảng viên tại cơ sở”.

Vì vậy, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị để ban hành văn bản áp dụng tại cơ sở cho phù hợp với quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên áp dụng thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO