Từ vụ 'nuôi nhầm' con suốt 42 năm: Nhận diện con bằng... smartphone

Theo dantri.com.vn 12/03/2016 15:16

“Khi sinh con tôi được vào cùng, em bé chào đời là được đưa cho cả bố và mẹ nhận con. Tôi đã nhìn thấy mặt bé, rồi mẹ - con được đeo số giống nhau. Tôi đã “thu” toàn bộ hình ảnh con vào trong tâm trí. Hơn nữa, giờ smartphone tràn ngập, em bé nào vừa sinh ra chả được cha mẹ chụp một bức ảnh ghi nhớ khoảnh khắc đầu tiên trong đời của con”, một ông bố chia sẻ.

Từ vụ 'nuôi nhầm' con suốt 42 năm: Nhận diện con bằng... smartphone

Ở nhiều bệnh viện, mẹ và bé đeo hai số hoàn toàn trùng lặp, bằng plastic.
Riêng tại BV Phụ sản Trung ương vòng đeo này làm bằng plastic hoàn toàn,
không thể đứt, tuột và chỉ có thể bỏ ra bằng cách cắt. (Ảnh: Đ.Hòa)

“PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho rằng, câu chuyện trao nhầm con tại nhà hộ sinh là một sự cố vô cùng hy hữu. Dù thời điểm đó, nguy cơ xảy ra nhầm lẫn ít hơn bởi sinh nở ít. Ngay tại BV Phụ sản Trung ương hơn chục năm trước, lượng sinh cũng ít, ngày chỉ 10 - 15 ca chứ không phải hàng trăm ca như hiện nay.

Chúng ta không biện minh cho sự nhầm lẫn, nhưng ở thời điểm đó, dù các nữ hộ sinh đỡ đẻ rất giỏi nhưng công nghệ thô sơ, điện đóm không có, người ta đánh dấu số trẻ bằng mực, bằng nitorat bạc và vì bất cẩn nào đó đã xảy ra tình trạng nhầm lẫn này. Ngay ở Mỹ cũng từng xảy ra hiện tượng tương tự”, TS Quyết nói.

Ông chia sẻ thêm, tại BV Phụ sản Trung ương, quy trình này được thực hiện rất chặt chẽ. Sau khi sinh, mẹ - con sẽ có “cái ôm đầu tiên”, bác sĩ trao con cho sản phụ nhận con (với sản phụ mổ đẻ cũng đã gây tê tủy sống, mẹ hoàn toàn tỉnh táo), rồi để mẹ ôm con. Trong lúc này, y tá soạn hai vòng đeo tay với số giống hệt nhau, đưa cho mẹ nhìn kiểm chứng rồi bấm vào cổ tay mẹ, cổ tay (hoặc cổ chân) con.

“Trước đây, khi chưa có thiết bị, bệnh viện dùng số không thể xóa nhoà, không bị mờ khi dính nước và buộc hoặc đeo vào cổ trẻ bằng dây. Nhưng 4 năm nay, viện dùng dây plastic mềm, dây có số hồng là con gái, số xanh là con trai, khi đã bấm vào tay thì không thể dứt đứt, không thể tháo ra được mà chỉ có thể dùng kéo để cắt”, TS Quyết cho biết.

Theo TS Quyết, tại BV có đến 20 - 25 nghìn ca đẻ mỗi năm, nếu không thực hiện triệt để việc ghi số thì sẽ rất nguy cơ.

Về việc tìm lại gia đình cho trường hợp hy hữu này, TS Quyết cho rằng khi lọc được toàn bộ người có ngày sinh cùng ngày với chị Trang, rồi sàng lọc, thu hẹp đối tượng theo nơi sinh... sẽ hoàn toàn có thể tìm ra mẹ - con bằng xét nghiệm ADN.

Từ vụ 'nuôi nhầm' con suốt 42 năm: Nhận diện con bằng... smartphone - 1

Đi tắm về, các bé nằm san sát nhau nhưng mỗi bé đều đeo một số riêng,
trùng lặp với số đeo ở tay mẹ. Y tá sẽ gọi người nhà, so sánh trùng số
đeo trên thẻ mới trao con. (Ảnh: Đ.Hòa)

“Nhận diện” con ngay sau sinh

Có vợ vừa sinh con tại BV Phụ sản Hà Nội đêm 10/3, anh Bùi Đức Hậu chia sẻ, anh đã đọc vụ nhầm con trước khi đưa vợ đi đẻ và cũng ghi nhớ câu chuyện. Nhưng khi đưa vợ vào đẻ, anh hoàn toàn gạt bỏ lăn tăn có nguy cơ nhầm con tại bệnh viện.

“Khi sinh con tôi được vào cùng, em bé chào đời là được đưa cho cả bố và mẹ nhận con. Tôi đã nhìn thấy mặt bé, rồi mẹ - con được đeo số giống nhau. Sưởi ấm, mặc đồ cho bé xong bố còn được đón tay. Tôi đã “thu” toàn bộ hình ảnh con vào trong tâm trí, để 10 đứa trẻ vừa sinh cạnh nhau, không nhìn số tôi cũng nhận ngay ra con mình. Giỏ nhà ai, quai nhà ấy nên thực sự tôi không có chút lo lắng nào về nguy cơ nhầm lẫn con. Hơn nữa, giờ smartphone tràn ngập, em bé nào vừa sinh ra chả được cha mẹ chụp một bức ảnh ghi nhớ khoảnh khắc đầu tiên trong đời của con”, anh Hậu chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng (Hà Tĩnh) cũng cho biết, bà đi tàu ra, vào viện thì con bà vừa sinh xong. Hai bà nội, ngoại khi vào thang máy, gặp y tá bế một đứa trẻ, cả hai bà đã đều ồ lên: “Cháu mình đây” khiến cô y tá phải bật cười.

“Nhầm sao được, mặt nó giống thằng anh, thằng bố nó như bản sao hoàn hảo. Tôi và bà ngoại cứ đi theo cô y tá đấy, đến mức cô phải hỏi thế sản phụ tên gì. Tôi trả lời mẹ Hải, ở Đê La Thành, 30 tuổi. Cô y tá gật đầu bảo đúng con của chị Hải, giờ đang đưa bé lên khoa Sơ sinh chờ mẹ trong thời gian hậu phẫu. Nói rồi cô cho xem số trên cổ em bé, bảo hai bà xuống xem cổ tay mẹ có giống không. Y như rằng, 100% là cháu mình”, bà Hồng chia sẻ.

Vì thế, bà Hồng cho rằng sự cố trao nhầm con như vậy là rất hy hữu. Tuy nhiên, bà cũng cho biết thêm, dù nhận ra cháu ngay, nhưng hai bà khi về phòng cũng phải kiểm tra dấu hiệu riêng của bé phòng khi đi tắm tuột dây đeo cổ. Lần nào y tá vào đưa con đi tắm, bà đều dặn dò cẩn thận nhầm cháu bà. Khi nhận cháu, hai bà cẩn thận cuốn lại áo, tã, nhân thể kiểm tra dấu hiệu riêng để khẳng định đích thị là cháu mình, dù cái mặt không lẫn đi đâu được.

TS Quyết cũng chia sẻ, không chỉ y bác sĩ mà các gia đình rất thận trọng trong việc nhận diện trẻ. Không cần đợi nhân viên y tế nhắc, họ tuyệt đối không cắt dây khi chưa ôm cháu về nhà. Khi y tá đưa trẻ đi tắm đều có sự kiểm tra kỹ càng khi nhận trẻ, bàn giao trẻ.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đã nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế quận Ba Đình báo cáo về việc nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh về việc bà bị trao nhầm con năm 1974 và mong muốn tìm được người con đẻ thất lạc. Trung tâm đã cho rà soát lại tất cả các sổ sách cũ, các kho lưu dữ liệu, tuy nhiên, vì thời gian đã quá lâu, không còn thông tin gì về ca trực sinh ngày 10.10.1974. Ông Cường cho biết Sở Y tế sẽ phối hợp với ngành công an để hỗ trợ gia đình, hy vọng sẽ tìm được con đẻ thất lạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ vụ 'nuôi nhầm' con suốt 42 năm: Nhận diện con bằng... smartphone

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO