Từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Lê Bảo 14/01/2017 10:15

Việt Nam đã dành được nhiều thành tích giảm nghèo ấn tượng nhưng hiện nay, bất bình đẳng gia tăng đang và sẽ đe dọa sự phát triển bền vững. Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo.

Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, thuế, chi tiêu công, dịch vụ công và sự tham gia của người dân. Đây là vấn đề được các đại biểu chỉ ra tại Hội thảo “Thu hẹp khoảng cách cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam” do Oxfam tổ chức ngày 12/1.

Từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

80% nguồn lực giảm nghèo sẽ dành cho vùng “lõi nghèo”.

Những người siêu giàu đủ sức giúp 3,2 triệu người thoát nghèo

Nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam do Oxfam tiến hành trong khuôn khổ Chiến dịch thu hẹp khoảng cách tại Việt Nam cho thấy, mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam khá lớn.

Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo nhất Việt Nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Đáng chú ý thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.

Tính toán của Oxfam cũng cho thấy mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam chênh lệch khá lớn. Cụ thể người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm, và tài sản của người giàu nhất này lớn tới mức có thể tiêu một triệu USD mỗi ngày trong 6 năm mới hết.

Trong một giờ người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gấp 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu.

Chênh lệch lớn về kinh tế kéo theo hàng loạt các bất bình đẳng nhất là ở nhóm yếu thế. Cụ thể nhóm dân tộc thiểu số (DTTS), nông dân quy mô nhỏ, lao động nhập cư và phụ nữ có nhiều khả năng bị nghèo hóa, không tiếp cận dược các dịch vụ. Nghiên cứu cũng cho thấy các em gái DTTS có ít khả năng hơn hẳn các em trai về cơ hội học tiếp bậc trung học phổ thông, cao đẳng và đại học.

Cũng theo Báo cáo của Oxfam, bất bình đẳng kinh tế đi kèm với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội, khiến nhóm nghèo nhất bị lề hóa khi lợi ích tập trung vào nhóm nghèo.

Người nghèo có xu hướng sử dụng các dịch vụ y tế ít hơn người khá giả, trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có thể sử dụng nhiều loại dịch vụ nội và ngoại trú và cũng có nhiều cơ hội khám và điều trị hơn”.

Thực tế cho thấy giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2015).

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều nơi tỷ lệ nghèo ở mức cao, lên tới 50%, cá biệt trên 60-70%. Chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống, nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn nhiều hạn chế…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Đánh giá về sự chênh lệch lớn giữa giàu - nghèo tại Việt Nam, bà Babeth Ngọc Hân Lefur- Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, nghèo đói và bất bình đẳng không phải là vấn đề tất yếu.

Mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau Đổi mới đã rất thành công trong việc tạo ra mức tăng trưởng cao, trong khi vẫn giúp phần lớn người dân Việt Nam thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Tuy nhiên khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng trong xã hội, như bất bình đẳng theo vùng, giữa các giới và nhóm dân tộc, và các dạng chênh lệch về tiếng nói và cơ hội.

“Để ngăn chặn nghèo và giảm nghèo mạnh hơn nữa, Chính phủ cần nhìn nhận tất cả các dạng bất bình đẳng về kinh tế và cơ hội đang gia tăng và có các biện pháp chính sách để giảm bất bình đẳng. Nếu không, những người nghèo nhất, và những người thiệt thòi, sẽ không được hưởng lợi từ những thành quả của phát triển kinh tế”- bà Babeth Ngọc Hân Lefur nhấn mạnh.

Ở góc độ khác bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho rằng, thành tựu về giảm nghèo mà Việt Nam dành được là không thể phủ nhận song bên cạnh đó tình trạng bất bình đẳng gia tăng giữa giàu - nghèo ngày càng lớn. Để rút ngắn khoảng cách trên thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để 3 trụ cột (Nhà nước - Cơ chế thị trường - Xã hội) làm đúng vai trò của mình.

Đồng tình, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng - Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH cho rằng, bất bình đẳng là câu chuyện tất yếu mà quốc gia nào cũng gặp, Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng nếu để gia tăng khoảng cách trên sẽ gây ra sự bất bình đẳng và các hệ lụy. Do đó nhận thấy được tình trạng này Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã dành 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41 nghìn tỷ đồng cho vùng “lõi” nghèo.

“Nguồn lực là một phần nhưng sử dựng nguồn lực và tạo cho người dân mới quan trọng. Do đó Chương trình giảm nghèo tới đây sẽ đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong đó cộng đồng (người nghèo) được quyết định phương thức sản xuất để thoát nghèo. Phương pháp này sẽ góp phần minh bạch hóa về sử dụng nguồn lực giảm nghèo đồng thời sẽ tạo sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực giữa các nhóm dân cư, hộ nghèo”- ông Ngô Trường Thi nói.

Cũng theo ông Thi, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTG về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO