Tướng rởm làm dấu giả

Tinh Anh 19/08/2020 09:00

Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Thương (40 tuổi, quê Bình Dương) để điều tra về hành vi giả mạo trung tướng công an, làm giả con dấu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây không phải là lần đầu tiên có đối tượng giả danh tướng công an, quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng việc làm giả cả dấu đỏ của Thủ tướng Chính phủ để “sản xuất” tài liệu “chỉ đạo” các cơ quan chức năng thì đúng là chưa có tiền lệ.

Vị trung tướng công an rởm bị phát hiện xuất phát từ việc một số cơ quan chức năng gửi tài liệu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đến cơ quan công an đề nghị giám định, xác minh xem có phải là tài liệu thực hay không. Cùng thời điểm, một số người dân tố cáo bị một vị trung tướng công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ghép nối hai sự việc trên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định được Phạm Văn Thương chính là nghi can giả danh trung tướng công an, làm tài liệu giả.

Để phục vụ mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, Thương đã làm giả các loại văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường... chỉ đạo duyệt các dự án, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Với các văn bản chỉ đạo giả mạo này, Thương đi lòe người dân và thậm chí dọa nạt cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để trục lợi. Để thêm phần thuyết phục, Thương tự giới thiệu là trung tướng đang công tác tại Bộ Công an.

Khi mà một người dân đang đi khiếu nại, tố cáo khắp nơi chưa được giải quyết, bỗng có một ông trung tướng công an “to như giời” hứa sẽ giúp đỡ giải quyết nhanh chóng, thì có lý nào lại không bập ngay vào xoắn xuýt? Lúc đó thì dù ông trung tướng công an rởm kia có đòi bao nhiêu tiền để “giúp đỡ”, thì người dân cũng vẫn sẵn sàng chi ngay không một chút nghi ngờ. Đơn cử, một lô đất bị thu hồi, thay vì chỉ được bồi thường 1 tỷ đồng sẽ được bồi thường vài tỷ đồng nếu được “giúp đỡ”, lẽ nào lại tiếc vài trăm triệu “lại quả”?

Song, trong những trường hợp như thế này, ngay cả trung tướng công an “xịn” cũng khó có thể giúp được, nói gì đến một ông trung tướng rởm. Và tất nhiên là việc chi tiền ra cho trung tướng công an rởm chính là việc thả gà trong chuồng ra rồi đi đuổi bắt. Không những không giải quyết được vấn đề như mong muốn, việc đòi lại tiền còn khó hơn cả “bắc thang lên hỏi ông Trời”, nhưng người dân đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Một vài người uất quá mới làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Điều đáng nói, Phạm Văn Thương không phải là đối tượng đầu tiên thực hiện hành vi giả danh “tướng tá” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song lại vẫn có nhiều người dân mắc chiêu “bẫy cổ” này. Nhiều người tỏ ra băn khoăn, không hiểu vì sao chiêu lừa đảo cũ rích như vậy mà người dân vẫn mắc, để rồi “tiền mất, tật mang”. Song, có gì đâu mà không hiểu được. Đơn giản là các đối tượng lừa đảo như Phạm Văn Thương đã “đánh” đúng vào tâm lý của người dân là mong muốn nhanh chóng được giải quyết “thắng kiện”.

Chính vì tâm lý đó mà cách đây hai năm, năm 2018, vợ chồng một đối tượng đã giả danh thiếu tướng quân đội, lừa đảo hành nghìn người dân với số tiền khủng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố vợ chồng Hoa Hữu Long và 12 bị can khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với mác thiếu tướng quân đội rởm, Hoa Hữu Long đã lừa xin việc cho người có nhu cầu vào làm trong doanh nghiệp quân đội.

Thời gian qua, có không ít đối tượng mạo danh tướng công an, quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Song, vừa giả danh trung tướng công an, lại dám cả gan làm giả cả con dấu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an... làm công cụ gây án thì chỉ có Phạm Văn Thương là trường hợp “độc nhất, vô nhị”, tính đến thời điểm này. Mức độ nguy hiểm của đối tượng này đối với xã hội có thể nói là gấp nhiều lần những kẻ giả danh tướng công an, quận đội khác, bởi có các văn bản chỉ đạo giả, “cốp” dấu giả.

Tất nhiên, việc người dân, doanh nghiệp dễ dàng bị các đối tượng giả danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là do thiếu hiểu biết pháp luật, tâm lý nôn nóng muốn “thắng kiện”, muốn nhanh chóng được phê duyệt dự án... Song, các cơ quan chức năng cũng không thể chối bỏ trách nhiệm, khi mà việc mua trang phục, quân hàm, quân hiệu của các lực lượng vũ trang hiện nay quá dễ dàng, khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng, giả danh.

Nếu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an siết chặt quản lý công vụ, kiểm soát tốt không để cán bộ chiến sĩ lợi dụng chức vụ quyền hạn, sự quen biết ông này, bà kia can thiệp vào những công việc dân sự, hành chính... không liên quan đến nghiệp vụ, tin rằng các đối tượng lừa đảo sẽ lập tức bị phát hiện khi giả danh. Chính vì hiện vẫn có những “ông tướng” vì lợi ích cá nhân tìm cách can thiệp vào công việc của chính quyền nên mới dẫn tới sự mập mờ. Đã đến lúc phải lập lại trật tự kỷ cương để tránh hậu họa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tướng rởm làm dấu giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO