Tuyên Quang: Dân hoang mang vì trụ cầu Tình Húc vừa khánh thành đã nứt

Xuân Trường - Tây Bắc 10/01/2021 17:25

Một lồng sắt tròn được bao quanh cột, sau đó ghép coppha và bơm bê tông “bó giò”, che kín hết phần rạn nứt ở trụ cầu Tình Húc. “Họ làm rất khẩn trương, nhanh gọn, kín đáo”, người dân thường đi làm qua đây cho biết.

Một phần nội dung Kết quả kiểm tra và Giải pháp xử lý các trụ cầu bị nứt được chính chủ đầu tư phê duyệt.

Cầu Tình Húc được xây dựng tại vị trí đắc địa thuộc thành phố Tuyên Quang, đây là một trong những cây cầu đẹp nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Cầu là điểm nhấn tuyệt đẹp về cảnh quan, hứa hẹn mở ra một trung tâm đô thị hiện đại, sầm uất, năng động ngay hai bên bờ dòng Lô. Tiếc thay, cầu mới khánh thành không lâu, đã xuất hiện rạn nứt, khiến người dân hoang mang, bất an.

Đầu tư xứng tầm, tạo động lực phát triển kinh tế

Với tổng mức đầu tư 852,220 tỷ đồng, cầu Tình Húc được ghi danh là công trình đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Dự án cầu Tình Húc vượt sông Lô được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt tại QĐ số: 471/QĐ-UBND ngày 12/5/2017.

Cầu kết nối QL2 tại nút giao giữa đầu đường Phạm Văn Đồng và Lê Đại Hành (phường Hưng Thành) với QL37 tại Km2+825 (phường Nông Tiến). Cầu được thiết kế vĩnh cửu cấp I, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực theo Tiêu chuẩn 22TCN272-05.

Tổng chiều dài cầu 907,76 m, kết cấu nhịp chính dạng dầm cáp hỗn hợp Extradose; tải trọng thiết kế HL93; cấp độ động đất, cấp 7; khổ thông thuyền (rộng 40 m, cao 7 m). Mặt cầu hai đầu dẫn rộng 16,5 m; các nhịp chính dầm Extradose rộng 19,5 m; thiết kế 4 làn xe cơ giới rộng 13 m; vỉa hè cho người đi bộ hai bên rộng 1,5 m.

Cầu gồm 5 trụ tháp, mô phỏng hình ngọn đuốc, cao 29 m tính từ mặt cầu, mỗi trụ có 16 đôi “siêu cáp” dây văng chịu lực cực lớn. Mặt cầu thảm bê tông nhựa C19 dày 7 cm. Lan can cầu bằng thép mạ kẽm, sơn tĩnh điện; khe co giãn loại răng lược bằng thép.

Trên cầu được bố trí hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED kỹ thuật số, lập trình chiếu sáng, đổi màu, tạo điểm nhấn ấn tượng cho công trình để người dân và khách tham quan thưởng lãm.

Cầu hoàn thành, có ý nghĩa rất lớn để khai thác, mở rộng phát triển thành phố với toàn bộ vùng đất soi Tình Húc và đất dọc hai bên bờ sông Lô rộng hàng nghìn hecta. Đáp ứng giao thông, giao thương hàng hóa thuận lợi, tăng giá trị sử dụng đất lên nhiều lần, tăng trưởng đời sống kinh tế người dân. Sớm góp phần đưa thành phố Tuyên Quang đạt chuẩn đô thị loại II trong thời gian không xa.

Trụ cầu bị khoan lỗ chi chít, sau đó được bó lồng sắt xung quang để đổ bê tông che lấp các vết nứt.

Rạn nứt quá sớm - người dân hoang mang

Công trình cầu Tình Húc được khởi công xây dựng ngày 1/10/2017, chính thức thi công từ ngày 1/12/2017. Dự án do liên danh giữa DN xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) và TCty XDCT giao thông 1 - CTCP trúng thầu, thực hiện thi công. Cty CP Tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội - CTEC là thành viên liên danh tham gia giám sát thi công xây dựng công trình.

Chiều ngày 2/10/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức long trọng Lễ Khánh thành công trình cầu Tình Húc, vượt sông Lô. Cầu Tình Húc hiện diện là biểu tượng cho thành phố văn minh, hiện đại, niềm tự hào của người dân Tuyên Quang.

Không lâu sau, bất ngờ lớn xảy ra, trong khoảng thời gian giữa tháng 11/2020, người dân qua lại dưới gầm cầu, phát hiện có nhiều công nhân, tập kết máy móc, vật liệu, dựng lều bạt... ngay tại chân 4 trụ cầu T1-T12; T2-T11; T7 và T8 (đầu phía phường Hưng Thành).

Đội thi công này là một DN khác, không phải của 2 DN đã thi công cầu trước đó. Nhóm công nhân này sau đó làm việc rất khẩn trương, họ khoan chi chít vào khắp trụ cầu; những nơi vị trí nứt sâu, công nhân khoan đục hết lớp bê tông bên ngoài để lộ hẳn ra phần cốt thép bên trong.

Một lồng sắt tròn được bao quanh cột, sau đó ghép coppha và bơm bê tông “bó giò”, che kín hết phần rạn nứt. Qua tìm hiểu, lớp bê tông được “bó thêm” dày khoảng 50 cm, bề ngang 1 m. “Họ làm rất khẩn trương, nhanh gọn, kín đáo”, người dân thường đi làm qua đây cho biết.

Vài hộ có đất trồng rau màu gần đó cho biết thêm, trong thời gian thi công, thường xuyên có 1 chiếc xe 12 chỗ, ghi dòng chữ “Xe kiểm định đường bộ, BKS: 29B.057.48” đỗ ngay tại chân các trụ cầu đang khắc phục sự cố; chúng tôi cũng chẳng biết xe của Nhà nước hay của DN.

Chiều 6/1, có mặt tại nơi xảy ra sự cố, PV ghi nhận việc khắc phục đã gần như hoàn tất, công nhân đang thu dọn máy móc thiết bị. Sáng 9/11, tại đây chỉ còn lại chiếc lều bạt, máy hàn, một số coppha chưa kịp chở đi, không thấy công nhân hay người trông coi.

Được biết, công trình cầu Tình Húc do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, Giám đốc Ban là ông Trần Viết Cương.

Căn cứ tài liệu Thẩm định phương án khắc phục theo văn bản số: 37/BC-KTTĐ ký ngày 14/9/2020, do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cầu Lớn - Hầm (TEDI – BRITEC) thực hiện. Nghĩa là, sự cố “rạn nứt” này phải có trước tháng 9/2020 và chắc chắn ngày cắt băng khánh thành cầu (2/10), sự cố này đang hiện hữu và được “bảo mật”.

Các phương án xử lý đa dạng, đơn giản, dễ thực hiện được chủ đầu tư “nhanh tay” phê chuẩn.

Chủ đầu tư “ém thông tin”, xử lý “thần tốc”

Một công trình lớn thi công tại nơi có nền địa chất yếu, phức tạp, thì các sự cố nhỏ phát sinh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong trường hợp liền lúc 4/12 trụ có hiện tượng rạn nứt khi công trình đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành là điều không bình thường.

Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thi công các công trình cầu, đường lớn cho rằng, chủ đầu tư có thể hơi vội vàng khi đưa ra phương án xử lý mà không tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học để tìm rõ nguyên nhân cốt lõi, sau đó mới đưa ra phương án xử lý hiệu quả, vừa đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời không gây “hoài nghi” trong dư luận.

Còn nếu cứ thấy nứt vỡ mà đắp vá, “bó bột” như thế này thì ông “thợ vườn” xây nhà cấp 4 cũng làm được.

Trước đó, cũng tại công trình này đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, cụ thể: khoảng hơn 17h ngày 29/4/2018, công nhân thuộc DN xây dựng Xuân Trường, trong khi sử dụng máy cẩu 40 tấn để nhấc máy khoan cọc nhồi vào vị trí thi công trụ T9.

Trong quá trình vận hành cẩu, di chuyển máy khoan, do nền đất yếu, máy cẩu bị rung lắc và bất ngờ gãy cần, đổ đè lên 2 công nhân khiến 2 người bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu. Hai nạn nhân xấu số là Nguyễn Văn Túy (SN 1984), trú tại xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình (đội trưởng thi công) và Lê Quang Hanh (SN 1957), trú tại phường Thanh Bình, TP Ninh Bình (đội phó thi công).

Việc xử lý nhanh sự cố là hết sức cần thiết. Tuy nhiên trong vụ việc này, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) ra tay “quá nhanh”, khi các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học “chưa kịp” tham vấn và có ý kiến là điều rất đáng tiếc.

Dư luận còn bất ngờ hơn khi mà chính chủ đầu tư lại là bên trực tiếp thuê Cty tư vấn thiết kế, đánh giá, lên phương án khắc phục và cũng ký “phê duyệt” luôn mà không cần bất kỳ phản biện nào của bên thứ ba.

Việc mời một đơn vị khác đến thi công khắc phục sự cố ngay trong thời gian bảo hành thuộc trách nhiệm các liên danh thi công, tư vấn, giám sát là đúng hay sai?. Quyền lợi gói thầu số 11 (bảo hiểm công trình, mức phí chào thầu 3,957 tỷ đồng), có được thực hiện hay không?... Phải chăng chủ đầu tư “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bỏ qua nhiều quy định cần thiết về an toàn, chất lượng... của một công trình lớn và quan trọng.

Người dân đang chờ xem các cơ quan chức năng của Chính phủ và tỉnh Tuyên Quang có quyết sách gì để xem xét lại nguyên nhân, tính nghiêm trọng của các vết nứt, trách nhiệm các bên liên quan,... sau đó minh bạch thông báo để người dân không hoang mang, lo lắng cho cây cầu nghìn tỷ bị “nghi” kém chất lượng, buông lỏng quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên Quang: Dân hoang mang vì trụ cầu Tình Húc vừa khánh thành đã nứt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO