Tuyên Quang: Nuôi ong lấy mật, vươn lên thoát nghèo

Quang Đán 31/01/2018 12:52

Tận dụng diện tích vườn đồi, rừng có nhiều loại cây có hoa là nguồn mật cho ong nên nhiều hộ dân ở xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã phát triển nghề nuôi ong. Với chi phí đầu tư thấp, thu nhập khá… nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng… ở Hùng Lợi vươn thoát nghèo.

Tuyên Quang: Nuôi ong lấy mật, vươn lên thoát nghèo
Nuôi ong lấy mật cho giá trị kinh tế cao ở Tuyên Quang.

Tấu Lìn là thôn điển hình về phát triển nghề nuôi ong trên địa bàn xã Hùng Lợi. Ông Vũ Xuân Đức, Bí thư Chi bộ thôn Tấu Lìn cho biết, toàn thôn hiện có 14 hộ nuôi ong, nếu như trước đây người dân trong thôn chỉ biết trồng lúa, trồng ngô, trồng rừng… thì hiện nay, nhiều hộ dân đã biết tận dụng lợi thế của địa phương là có diện tích rừng lớn để phát triển thêm nghề nuôi ong. Thôn Tấu Lìn hiện có 84 hộ dân, trong đó 90% là đồng bào Mông. Năm 2017, thôn có 10 hộ thoát nghèo, trong đó có 3 hộ thoát nghèo nhờ nuôi ong lấy mật, giảm số hộ nghèo trong thôn xuống còn 50 hộ.

Là một trong những hộ mới thoát nghèo nhờ nuôi ong, anh Sầm Văn Sình, dân tộc Mông, thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi ong từ năm 2012, với 6 thùng ong tương đương 6 đàn ong. Ban đầu nuôi ong cũng chỉ để phục vụ gia đình thôi, nếu thu được nhiều mật thì đem biếu anh em họ hàng. Sau đó, vì biết gia đình anh nuôi ong nên có nhiều người trong xã đặt mua. Thấy có thể nuôi ong lấy mật để tăng thêm thu nhập, nên mỗi năm ngoài việc tiến hành chia đàn anh còn mua thêm ong giống để tăng số lượng đàn ong cho gia đình.

Hiện nay, gia đình anh đang có 50 đàn ong. Trung bình một đàn ong sẽ cho khoảng 10 lít mật/năm, với giá từ 120 – 150 nghìn đồng/lít, thu về khoảng 60 triệu đồng/năm tiền bán mật. Nhờ có thêm nguồn thu nhập từ nuôi ong, năm 2017 gia đình anh đã thoát được cái đói, cái nghèo đã đeo bám nhiều năm qua.

Có thâm niên gắn bó với nghề nuôi ong đã 40 năm, đồng thời là người nuôi ong đầu tiên ở xã Hùng Lợi, ông Dương Minh Tọa, dân tộc Mông, thôn Tấu Lìn chia sẻ, nuôi ong ở Tấu Lìn nói riêng và trên địa bàn xã Hùng Lợi nói chung có ưu điểm là người nuôi không mất thời gian di chuyển đàn ong đến nơi khác để tìm nguồn thức ăn cho ong, chi phí đầu tư ban đầu cũng không nhiều (chỉ khoảng 1,1 triệu đồng một thùng ong, bao gồm cả ong giống và dụng cụ chăm sóc). Mặc dù, đã nuôi ong từ lâu nhưng đến năm 2012, ông Tạo mới chọn nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình. Từ 5 đàn ong ban đầu đến nay ông Tạo đang có 18 đàn ong. Mỗi năm gia đình ông thu khoảng 180 lít mật.

Với nhiều ưu điểm nên vài năm trở lại đây nghề nuôi ong đã được nhân rộng và phát triển mạnh ở Hùng Lợi. Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi cho biết, Hùng Lợi là xã 135 còn nhiều khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có trên 1.600 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông chiếm 50%. Mặc dù, nuôi ong lấy mật đã có ở Hùng Lợi từ lâu nhưng chỉ tập trung ở một vài hộ nuôi nhỏ, lẻ để phục vụ gia đình, chưa phát triển thành hàng hóa. Khoảng 7 năm trở lại đây, nghề nuôi ong trên địa bàn xã mới bắt đầu được nhân rộng.

Để giúp thêm nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, từ năm 2016, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Yên Sơn, tổ chức lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật cho người dân trên địa bàn xã; đồng thời, hỗ trợ cho 92 hộ nghèo mỗi hộ 4 thùng ong giống. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 150 - 170 hộ nuôi ong, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: thôn Tấu Lìn, thôn Yểng, thôn Làng Lè, thôn Làng Bum và thôn Làng Chương. Bên cạnh việc trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên Quang: Nuôi ong lấy mật, vươn lên thoát nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO