Tuyển sinh cao đẳng sư phạm: Có những ngành trắng thí sinh

Thu Hương 27/08/2019 08:00

Không chỉ mùa tuyển sinh 2019 mà từ vài năm trở lại đây, 32 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) trên toàn quốc đã gặp phải khó khăn trong công tác tuyển sinh. Hiện nhiều trường CĐSP thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1.

Tuyển sinh cao đẳng sư phạm: Có những ngành trắng thí sinh

Nữ sinh Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chật vật nguồn tuyển

Thông tin từ Ban Tuyển sinh Trường CĐ sư phạm Quảng Trị, năm học 2019 - 2020, đợt 1 trường tuyển được 34 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên học ngành sư phạm mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm Âm nhạc, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Giáo dục tiểu học.

Các ngành còn lại như sư phạm Tin học, Mỹ thuật, Lịch sử, Vật lý, Sinh học, Kế toán, Quản trị văn phòng… đều không tuyển được sinh viên.

Thực trạng này đã diễn ra từ 2-3 năm trở lại đây. Những khoa nào chỉ tuyển được 1 hoặc 2 sinh viên thì trường phải gửi sinh viên đó đến các trường khác để đào tạo do nhà trường cân đối, phải có ít nhất 3 sinh viên thì mới bố trí được người giảng dạy khoa, ngành đó.

Danh sách các trường thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 1 năm 2019 còn có Trường CĐSP Thái Bình với gần 200 chỉ tiêu ở tất cả các ngành đào tạo giáo viên ở trình độ CĐ. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là 16 điểm và điểm học bạ lớp 12 từ 16 đến 20,25 điểm.

Trường CĐSP Gia Lai thông báo tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non và 47 chỉ tiêu ngành Giáo dục tiểu học. Ở bậc trung cấp SP mầm non, trường tuyển thêm 23 chỉ tiêu. Điểm chuẩn 2 ngành CĐSP đợt 1 là 16 điểm; hệ trung cấp là 19,5 với phương thức xét tuyển bằng học bạ yêu cầu tổng điểm trung bình môn Văn, Toán lớp 12 và điểm thi năng khiếu, cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.

Trước đó, Trường CĐSP Gia Lai phải đóng cửa 3 ngành là sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn và sư phạm tiếng Anh do số lượng đăng ký xét tuyển quá ít.

Trường CĐSP Đắk Lắk có 200/315 chỉ tiêu ở 9 ngành sư phạm thông báo tuyển bổ sung đợt 1 với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1 (bằng điểm sàn của Bộ GDĐT là 16 điểm). Tuy nhiên, nhìn từ số lượng thí sinh đăng ký vào ngành trong lần xét tuyển đợt 1 thì tương lai trường “ngóng” sinh viên là có thể dự đoán được. Chẳng hạn, sư phạm Toán có 1 thí sinh, sư phạm Vật lý 3, sư phạm Ngữ văn 3, sư phạm Địa lý 2, sư phạm tiếng Anh 3. Trong năm 2018, trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu được giao.

Trường CĐSP Đà Lạt (Lâm Đồng) có tổng chỉ tiêu là 240 cho 10 ngành SP và có 178 thí sinh trúng tuyển đợt 1. Thế nhưng có đến 5 ngành “trắng” thí sinh, gồm: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Giáo dục thể chất. Trường tiếp tục hy vọng vào đợt xét tuyển thứ 2 dành cho 5 ngành này.

Nguyên nhân vì đâu?

Khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường CĐSP đã diễn ra vài năm qua khi Bộ GDĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến nguồn tuyển của các trường đã khó càng thêm khó.

Lãnh đạo Trường CĐSP Quảng Trị phân tích thêm, năm nay, Luật Giáo dục vừa mới ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2020 đã quy định cụ thể chuẩn của giáo viên tiểu học là từ đại học trở lên. Như vậy sứ mệnh của các trường CĐSP trên toàn quốc gần như là hoàn thành và chỉ đào tạo giáo viên mầm non.

Nhìn nhận thực trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, không chỉ có các trường CĐSP khó tuyển đủ chỉ tiêu mà mùa tuyển sinh 2019-2020 cũng ghi nhận một số trường ĐH phải nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh vì ngành đó quá ít thí sinh đăng ký. Khi nhu cầu của xã hội không cần họăc người học không yêu thích, không nhìn thấy cơ hội việc làm khả quan sau khi ra trường, thậm chí là người học chưa hiểu, chưa biết về ngành học đó thì chắc chắn họ sẽ không lựa chọn. Trên thực tế, ngành “hot” được đông thí sinh lựa chọn cũng vì các em thấy cơ hội việc làm tốt, lương cao, truyền thống gia đình họăc đăng ký vì... đông bạn bè đăng ký.

“Dù vì lý do gì thì trường cũng phải “trưng” ra được lý do thuyết phục thí sinh vì sao nên lựa chọn trường mình chứ không phải trường khác để theo học. Trong vô vàn lựa chọn, cơ hội sau khi tốt nghiệp THPT thì tiếp tục theo học ĐH, CĐ thực ra chỉ là một lối đi. Còn rất nhiều cánh cửa khác nữa”- ông Nhĩ nói.

Phân tích cụ thể, ông Nhĩ cho rằng khi Luật Giáo dục có hiệu lực thì rõ ràng tấm bằng CĐSP sẽ không có hiệu lực nếu muốn đi dạy tiểu học. Người học bắt buộc phải học liên thông lên ĐH nên các thí sinh và gia đình phải cân nhắc là đúng.

Về câu hỏi liên quan đến việc chuyển đổi của các trường CĐSP như đề xuất xin thành lập trường liên cấp, ngoài đào tạo hệ CĐ có thể dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông, ông Nhĩ cho rằng ngành giáo dục và các địa phương cần thận trọng. Đúng là có thể tránh lãng phí cơ sở vật chất, tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ giảng viên... Nhưng chức năng, nhiệm vụ, kiến thức và cả phương pháp của mỗi cấp học là khác nhau. Không thể tận dụng đội ngũ nếu không phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh cao đẳng sư phạm: Có những ngành trắng thí sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO