Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Không thi chọn học sinh để phân lớp

Thu Hương 20/04/2021 06:59

Đây là chỉ đạo của Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại về công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội.

Các trường không được tổ chức kỳ thi thi tuyển vào lớp 1, lớp 6 (trừ các trường CLC được phép theo quy định). Đối với lớp 6 không được tổ chức thi chọn HS giỏi, chọn HS để phân lớp. Đối với HS lớp 1, không được tự ý đặt ra khoản thu tại thời điểm tuyển sinh.

Cha mẹ học sinh phải được thông tin đầy đủ

Năm học 2021-2022, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 cơ bản được thực hiện như năm học trước. Cụ thể, với hình thức tuyển sinh trực tuyến, thời gian tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 12/7 đến hết ngày 14/7/2021; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non từ ngày 15/7 đến hết ngày 17/7/2021; tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 18/7 đến hết ngày 20/7/2021.

Với hình thức tuyển sinh trực tiếp, các trường mầm non, tiểu học, THCS nhận hồ sơ từ ngày 23/7 đến hết ngày 28/7/2021.

Để công tác tuyển sinh thuận lợi, Sở yêu cầu các trường cần xây dựng kế hoạch tuyển sinh tỉ mỉ, chi tiết, khoa học, hợp lý; báo cáo Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; báo cáo UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt, từ đó báo cáo lên Sở GDĐT. Trong kế hoạch cần nêu rõ các công việc phải làm, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân, từng nhiệm vụ liên quan. Kế hoạch này phải được niêm yết công khai trên cổng thông tin để người dân nắm được và thực hiện.

Tại Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào các trường lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2021-2022 do Sở tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Sở chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã điều tra số trẻ trên địa bàn ở từng độ tuổi để tham mưu phòng GDĐT cơ sở lên danh sách, phương án tuyển sinh. Sở đề nghị các trường thông báo công khai, tuyên truyền hướng dẫn phụ huynh thực hiện theo đúng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cấp mã học sinh, mật khẩu cho phụ huynh, phối hợp các cơ quan y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Sau thời gian tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh có thể mang hồ sơ đến trường để đối chiếu. Nhà trường phải phân công bộ phận trực hỗ trợ phụ huynh, tránh trường hợp cha mẹ HS đến không có ai hoặc có thông tin chưa đầy đủ.

Phó Giám đốc phụ trách Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong quá trình tuyển sinh đầu cấp, nhất là việc đăng ký trực tuyến vì thực tế, có phụ huynh biết về CNTT, có người chưa biết. Phải có phòng hỗ trợ công tác tuyển sinh cho phụ huynh đăng ký; cử cán bộ trực để hỗ trợ, hướng dẫn cho phụ huynh, HS.

Phân tuyến hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân

Ở Hà Nội có một thực tế là nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng trên phần đất giáp ranh giữa các quận huyện, vậy việc đăng ký tuyển sinh của các HS sinh sống ở đây sẽ ra sao?

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy nêu thực trạng: Nhiều cư dân tòa chung cư Dreamland Bonanza, số 23 Duy Tân đồng loạt xin học trái tuyến tại quận Cầu Giấy. Lý do là trong hợp đồng mua bán nhà, địa chỉ tòa nhà ghi 23 Duy Tân, Cầu Giấy nhưng khi đi đăng ký tạm trú, các hộ dân mới biết thực tế tòa nhà lại thuộc quản lý của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội theo quy định mốc giới hành chính. Dù nằm giáp ranh giữa 2 quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm; song theo đúng tuyến quy định, con em cư dân của tòa nhà phải học các trường thuộc quận Nam Từ Liêm.

Ông Phạm Ngọc Anh cho biết Phòng GDĐT quận Cầu Giấy sẽ cho người xuống địa bàn khảo sát tình hình thực tế. Trong trường hợp có đủ trường lớp và thuận tiện đi lại, Phòng GDĐT Cầu Giấy sẽ làm việc với quận Nam Từ Liêm xem xét tiếp nhận HS. Còn trường hợp HS phải đi quá xa thì phía quận Cầu Giấy cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt, tuy nhiên không thể tiếp nhận tất cả. Phải ưu tiên để các trường tiếp nhận đủ hết HS đúng tuyến rồi mới xem xét tiếp nhận HS ở vùng lân cận.

Về vấn đề trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng GDĐT Cầu Giấy và Nam Từ Liêm tham mưu UBND 2 quận để kiểm tra kỹ tình hình thực tế ở khu vực trên.

Việc này trước hết thuộc thẩm quyền giải quyết của phía UBND các quận, các phòng GDĐT có trách nhiệm tham mưu. Hiện nay, địa phương đang phải điều tra số HS, số trẻ để thống kê số lượng một cách chi tiết. Phòng GDĐT Cầu Giấy xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường tại vùng giáp ranh, nghiên cứu để dự kiến xem đáp ứng được không. Nếu điều kiện đáp ứng được, Phòng GDĐT Cầu Giấy đề xuất với UBND quận Cầu Giấy để tiếp nhận bổ sung HS khu vực giáp ranh như cách làm quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm trước đây.

Ông Phạm Văn Đại khẳng định quan điểm chung của Sở là cần tạo điều kiện cho nhân dân. Nếu quận Cầu Giấy có điều kiện thì tiếp nhận các em. Nếu không có điều kiện, trao đổi với quận Nam Từ Liêm để quận tạo điều kiện cho HS.

“Làm gì có lợi ích nhất cho dân thì chúng ta làm và cần xem xét để giải quyết việc phân tuyến hợp lý” - Phó Giám đốc Sở GD ĐT Hà Nội nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Không thi chọn học sinh để phân lớp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO