Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Tuyệt đối không thi tuyển

Thu Trang 07/05/2016 13:35

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các trường mầm non, tiểu học và THCS về công tác tuyển sinh đầu cấp. Theo đó, trong năm nay Sở sẽ tổ chức thực hiện công tác điều tra số trẻ, tạo một kênh thông tin tham khảo chính xác cho các phòng giáo dục và các nhà trường. Đồng thời, tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác xét tuyển. Không trường nào được phép thi tuyển. 

Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Tuyệt đối không thi tuyển

Học sinh đoạt giải thưởng qua các kỳ thi sẽ có nhiều lợi thế khi xét tuyển đầu cấp.

Rà soát kỹ học sinh theo độ tuổi

Chia sẻ về điểm mới trong công tác tuyển sinh, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc điều tra lượng trẻ chuẩn bị vào lớp 1 và lớp 6 từ các trường mầm non, tiểu học trên toàn thành phố là nguồn tham khảo đáng tin cậy. Các trường căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ các trường đến quận huyện.

Việc điều tra cơ bản này cần được thực hiện một cách chính xác vì lượng dân ở Hà Nội và các tỉnh khác di cư, nhập khẩu tương đối nhiều. Nếu công tác điều tra không rõ và không có chuẩn bị cẩn thận sẽ gây lúng túng, nhất là đối với các quận có lượng dân mới đổ về rất đông nhưu Từ Liêm, Hà Đông. Vì vậy, điều tra càng cẩn thận bao nhiêu, tuyển sinh càng đạt kết quả cao.

Riêng các trường có số liệu tuyển sinh lớn, ông Đại cho biết sẽ phải xây dựng tiêu chí rõ ràng. Năm ngoái việc tuyển sinh của khối trường này vất vả vì là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cấm tuyển sinh vào lớp 6. Năm nay, các trường đã có kinh nghiệm và hoàn toàn chủ động, Sở không phải can thiệp mà sẽ kiểm tra việc xây dựng tiêu chí có khách quan, công bằng không.

Với những trường có nhiều tiêu chí phụ để tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành công văn từ đầu năm, trong đó nêu tên các cuộc thi như Olympic và các cuộc thi khác để lấy tiêu chí cộng thêm điểm. Những cuộc thi có sự tham gia, quản lý của Sở GD&ĐT mới được tính điểm cộng.

Xét tuyển có chọn được thí sinh chất lượng?

Trao đổi về vấn đề đầu vào của các trường khi thực hiện phương thức xét tuyển, ông Phạm Văn Đại khẳng định: Năm ngoái Sở đã áp dụng phương pháp xét tuyển với tất cả các trường trên toàn thành phố, kết quả bước đầu cho thấy đã thành công. Tất cả các trường xét tuyển như Hà Nội – Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Marie curie, Nguyễn Tất Thành… đều tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển và kết quả rất tốt, không có vấn đề nổi cộm vì đã được xây dựng tiêu chí cẩn thận. Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, Sở quán triệt tất cả các trường phải thực hiện phương thức xét tuyển chứ không được thi tuyển.

Còn việc lo ngại cho chất lượng đầu vào, nhất là đối với các trường điểm đã có tên tuổi như Hà Nội – Amsterdam, ông Đại nói: Muốn xem chất lượng học sinh thì phải qua thời gian mới xác minh được, không thể chỉ qua một thời gian ngắn. Phương án nào cũng có hai mặt. Hiện nay chúng tôi nghĩ phương án xét tuyển đang phát huy tác dụng, qua thời gian thực hiện sẽ có đánh giá xem mặt nào tốt mặt nào chưa tốt để đề xuất phù hợp.

Nói về việc xét tuyển, nhất là đối với các trường điểm sẽ lấy những thí sinh có nhiều giải thưởng, việc thi cử có tạo nên áp lực cho các em không – ông Đại cho rằng việc thi cử cũng như là một sân chơi, sân chơi là tự nguyện, cho nên việc tự nguyện là điều rất tốt. Và muốn tự nguyện đi thi, đạt giải thì phải lao động, không có cách gì không lao động mà lại có được thành tích, huy chương này huy chương khác…

Tháo gỡ khó khăn để tuyển sinh trực tuyến

Nói về phương án xét tuyển trực tuyến đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục cho hay: Đây là phương án mà Thành phố đã chỉ đạo, Sở cũng mong muốn làm sao phương án này có thể tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận một cách nhanh nhất. Thế nhưng việc này cần thận trọng do hạ tầng CNTT chưa tốt, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như đường truyền, cơ sở vật chất và phầm mềm phải được đảm bảo thực hiện thử nghiệm. Điều quan trọng nữa là khả năng ứng dụng CNTT của người dân còn phải xem xét.

Ở các nước, và cả Việt Nam muốn thực hiện được công việc trực tuyến phải có từng mức độ 1,2,3,4. Hiện Sở đang hi vọng xây dựng mức độ 3 là đưa các đơn trực tuyến để người dân có thể đăng ký đơn, qua các đơn đó nhà trường sẽ xác định được từng đơn cụ thể. Những em nào đúng tuyến thì sẽ được nhận… Đó là mong muốn mà Sở đang làm và cố gắng sẽ làm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở cũng cho biết thêm: Sở đã có khảo sát tình hình thực tế, và thấy rằng hiện nay số máy móc của trường mầm non, tiểu học còn hạn chế. Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện phầm mềm, căn cứ vào phần mềm rồi đưa thử nghiệm, ứng dụng trên phạm vi rộng, khoảng 1.500 trường… Nếu thực hiện được sẽ triển khai trên toàn thành phố.

Đủ chỗ cho học sinh lớp 1 và lớp 6 vào các trường công lập

Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện số trẻ mẫu giáo là 405.800 trẻ. Trong đó trẻ 5 tuổi là 134.250 trẻ. Lớp 1 là 132.850 trẻ, và lớp 6 là 107.900 học sinh. Ông Phạm Văn Đại khẳng định: Học sinh lớp 1, lớp 6 Sở đã có phương án tính toán không để các em phải học trong tình trạng nhồi nhét như một số năm về trước. Trong các năm gần đây, số lượng trường học được xây lên rất nhiều đảm bảo cho học sinh lớp 1, lớp 6 đủ học tại các trường công lập theo đúng tuổi. Sẽ không có chuyện học sinh lớp 1 lớp 6 mà không được vào học, trừ khi phụ huynh yêu cầu muốn vào trường ngoài công lập. Còn với mầm non, hiện mới phổ cập tới 5 tuổi nên trẻ dưới 5 tuổi muốn vào học tại trường mầm non thì phải qua các phương thức xét tuyển của nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Tuyệt đối không thi tuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO