Tuyển thẳng thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia: Nên hay không?

Thu Hương 07/03/2017 08:35

Gần đây, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có thông báo đưa ra tiêu chí mở rộng đối tượng tuyển thẳng vào trường trong đó ưu tiên cho các thí sinh tham dự vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Phương án này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Theo các chuyên gia, việc ĐH Kinh tế Quốc dân mở rộng đối tượng tuyển thẳng
vào trường cần được đề xuất lên Bộ GD-ĐT.

Tiêu chí cần và đủ

Lý giải về vấn đề này, PGS. TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý đào tạo (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) khẳng định: Trước khi đưa ra quy định tuyển thẳng đối với học sinh tham dự vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, trường đã rà soát về điều kiện tuyển thẳng này một cách kỹ lưỡng.

Cụ thể, bên cạnh điều kiện là thí sinh tham gia cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia, thí sinh phải đạt 18 điểm trở lên đối với tổ hợp 3 môn xét tuyển của từng ngành đào tạo. Mức điểm này dựa trên điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường năm 2016 là 17 điểm (tức là cao hơn điểm xét tuyển 1 điểm) nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Việc tuyển thẳng cũng chỉ áp dụng với học sinh tốt nghiệp THPT năm 2017, chứ không bảo lưu cho những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước đó.

Chia sẻ thêm, ông Triệu cho rằng năm nay tỉ lệ tuyển thẳng được trường giới hạn tối đa - chỉ chiếm 5-10% chỉ tiêu mỗi ngành. Trong đó đối tượng tuyển thẳng rất đa dạng gồm học sinh giỏi quốc gia, học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 6.5... Các thí sinh tham gia cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một trong số các đối tượng có cơ hội xét tuyển thẳng vào trường chứ không phải tất cả 144 thí sinh của cuộc thi cứ đăng ký vào trường sẽ đều trúng tuyển hết cả. Nhà trường sẽ căn cứ theo chỉ tiêu vào từng ngành và thứ tự nguyện vọng của thí sinh để xét tuyển, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thí sinh có nguyện vọng vào trường.

Nhìn lại năm 2016, nhà trường tuyển thẳng được 16 em theo quy chế của Bộ GD-ĐT đưa ra. Trước đó, năm 2015, nhà trường chỉ tuyển thẳng được 9 học sinh.

Những con số khiêm tốn này cho thấy tỷ lệ 5-10% chỉ tiêu mỗi ngành mà nhà trường dành cho xét tuyển thẳng thực ra chỉ là con số tối đa còn trên thực tế không phải tất cả học sinh thuộc các đối tượng được ưu tiên lại sử dụng đến quyền ưu tiên của mình và nộp hồ sơ tập trung vào cùng một ngành, vào cùng một trường.

Đồng tình với quan điểm này của ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng nếu 144 thí sinh của cuộc thi tuần Đường lên Đỉnh Olympia đều có nhu cầu tuyển thẳng vào các trường ĐH thì chia cho hơn 100 trường ĐH top đầu của Việt Nam hiện nay, con số này cũng không lớn nên hoàn toàn không đáng lo ngại.

Trong khi đây là một sân chơi trí tuệ đã khẳng định được thương hiệu qua 16 năm. Các thí sinh tham dự đã được tuyển chọn kỹ lưỡng trước hết là bởi nhà trường, sau đó là hội đồng chuyên môn của cuộc thi nên hoàn toàn có thể ưu tiên trong xét tuyển vào ĐH, tất nhiên đi kèm với đó là các điều kiện về điểm số khác để đảm bảo chất lượng đầu vào của các thí sinh này phù hợp với mặt bằng chung của học sinh trong trường.

Sẽ xem xét đề xuất

Phạm Hoài Chi hiện đang là sinh viên K55 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từng là một trong những thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên Đỉnh Olympia cho biết, em rất vui trước thông tin này. Mặc dù năm 2015 em dự thi vào trường chưa có chế độ tuyển thẳng dành cho các thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên Đỉnh Olympia nhưng vì yêu thích ngôi trường này nên em vẫn quyết tâm thi vào. Với mức điểm 26, chưa kể điểm cộng em đã trúng tuyển và vào học đúng chuyên ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu như có thêm điều kiện tuyển thẳng này của trường sẽ tạo điều kiện cho các bạn thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên Đỉnh Olympia tự tin hơn trong thi cử.

Trước ý kiến cho rằng quy định tuyển thẳng này có làm ảnh hưởng đến việc tuyển chọn các thí sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia từ các trường hay không, Hoài Chi cho rằng để tham dự cuộc thi ngoài một bảng điểm đẹp, thành tích và hạnh kiểm tốt, trường cấp 3 của em đã cân nhắc rất kỹ, thậm chí tổ chức một cuộc thi trước đó để kiểm tra kiến thức. Ngoài ra, thực lực thực sự của thí sinh sẽ được thể hiện rõ trong cuộc thi nên không có chuyện gian lận ở đây được.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chưa được đưa vào quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ. Mặc dù Luật Giáo dục Đại học có đề cập vấn đề tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH nhưng việc tuyển thẳng vào ĐH vẫn phải theo quy chế và quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra tiêu chí mở rộng đối tượng tuyển thẳng vào trường như thu hút thêm đối với các thí sinh tham dự vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cần được nhà trường đề xuất lên Bộ GD-ĐT xem xét để có thể thay đổi quy chế ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh vào ĐH trong những năm tới.

Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia giáo dục nhận định mặc dù mở rộng quy định tuyển thẳng để thu hút thêm học sinh giỏi vào trường nhưng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng và các trường ĐH nói chung cần cân nhắc bài toán ảo. Bởi rất có thể thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào trường này nhưng đồng thời để nguyện vọng 1 trong xét tuyển ĐH là trường khác hoặc khoa khác của trường thì sẽ gây ra hiện tượng ảo, khó kiểm soát thí sinh trúng tuyển thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển thẳng thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia: Nên hay không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO