Tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức tích cực về hàng Việt

Quốc Định 23/09/2016 17:45

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải thực hiện sinh động, ấn tượng, như vậy mới đi sâu vào quần chúng, mới tạo được nhận thức tích cực, về Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 23/9, tại TP HCM, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Công thương phối hợp với Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP HCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền về kết quả và giải pháp trọng tâm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tham dự có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động); ông Nguyễn Hoàng Năng, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP HCM; đại diện Thành ủy TP HCM, Liên đoàn Lao động TP, Hội Nông dân TP, Sở Du lịch TP… và hơn 500 đại biểu là đại diện hệ thống MTTQ TP, các đại biểu cấp ủy, HĐND, UBND, đại diện các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chủ nhiệm hợp tác xã trên địa bàn TP.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đã phổ biến Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động.

Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản thực hiện Cuộc vận động, bao gồm: Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt khi tiêu dùng cá nhân.

Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng dược thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế trong nước không trái với các quy định của WTO, khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách quốc gia; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không gương mẫu thực hành tiết kiệm, lãng phí trong chi tiêu. Hỗ trợ các doanh nghiệp về tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, mạng lưới phân phối, tổ chức hội thảo, triển lãm…

Các đại biểu dự Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đã phổ biến Quyết định 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 - 2020.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, thời gian qua, cả nước đã nỗ lực triển khai Cuộc vận động một cách bài bản, nhờ vậy mà Cuộc vận động đã thu được nhiều thành công.

Trong đó phải kể đến TP HCM - địa phương luôn đi đầu trong việc tổ chức, thực hiện, từ công tác tuyên truyền cho đến việc xây dựng các kênh bán hàng… đều được thực hiện đồng bộ. “Nếu tỉnh, thành nào cũng triển khai như vậy thì chắc chắn Cuộc vận động sẽ sớm thành công”.

Trong thời gian tới, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, công tác tuyên truyền cần phải thực hiện sinh động, ấn tượng, như vậy mới đi sâu vào quần chúng, mới tạo được nhận thức tích cực, về Cuộc vận động.

Đồng thời, cần hỗ trợ doanh nghiệp, vận động với các DN có cam kết đối với người tiêu dùng. Tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ ý thức được, chính họ cũng là những người góp phần lan tỏa Cuộc vận động.

“Ngoài tuyên truyền vận động, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải làm tốt công tác giám sát, phản biện, chẳng hạn những chính sách không phù hợp với doanh nghiệp cần phải sửa đổi; giám sát các cán bộ, đảng viên; giám sát các cơ quan nhà nước xem họ có tích cực thực hiện cuộc vận động không... để tất cả vì một Cuộc vận động thành công”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh giao nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức tích cực về hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO