UBMTTQ TP Cần Thơ: Dấu ấn quan trọng từ công tác giám sát, phản biện xã hội

VPCT 17/01/2017 15:31

Năm 2016, cùng với việc thực hiện hai cuộc vận động lớn của UBTƯ MTTQ Việt Nam và nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ, một trong những dấu ấn quan trọng của hệ thống Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ là tập trung thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo quyết định 217/QĐ/TW, 218/QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ với cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quyết định về giám sát, phản biện xã hội.

Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Cần Thơ cho biết: 3 năm qua, sau khi có quyết định của Bộ chính trị về việc ban hành qui chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, UBMTTQ thành phố đã có nhiều hình thức đa dạng, phong phú để triển khai sâu rộng chủ trương đến tận cơ sở, tập huấn các nội dung về giám sát, phản biện xã hội đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

MTTQ và các tổ chức thành viên lựa chọn những vấn đề trọng tâm, vấn đề ưu tiên có liên quan đến cuộc sống người dân để giám sát như: tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công; giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; Giám sát việc thực thi nghị quyết số 10/2012/NQ-HĐND ngày 5/7/2012 của HĐND thành phố qui định quy định số lượng chức danh và mức phụ cấp đối với những người họat động không chuyên trách phường, xã, thị trấn và mức khoán hỗ trợ kinh phí hoạt động của các đoàn thể ở xã, ấp, khu vực, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;…

Ngoài ra, MTTQ các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành thực hiện chương trình phối hợp giám sát họat động của các cơ sở y tế tư nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, thi hành án hình sự;….

Các quận, huyện cũng chọn nội dung giám sát phù hợp theo yêu cầu của địa phương như: giám sát việc xây dựng nhà đại đoàn kết, giám sát việc vận động xã hội hóa các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân mua bảo hiểm y tế; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; việc chi trả các chế độ, chính sách cho các đối tượng trên địa bàn; giám sát an toàn thực phẩm;…

Tính ra, 3 năm qua, UBMTTQ các cấp thực hiện trên 3.200 cuộc giám sát trên các lĩnh vực trong đó thành phố giám sát 43 cuộc; quận, huyện 327 cuộc; xã, phường, thị trấn 2.830 cuộc. Qua giám sát và tái giám sát đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đề sai sót kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng uốn nắn, chấn chỉnh.

UBMTTQVN các cấp cũng đã phát huy vai trò của 85 Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát qua đó mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, cửa quyền của cán bộ, phát hiện các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng gây lãng phí của cán bộ, viên chức Nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Riêng trong năm 2016, hai ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thực hiện giám sát 1.500 cuộc.

Mô hình quán “cà phê pháp luật” – nơi đến tìm hiểu pháp luật của mọi người dân.

Về công tác phản biện xã hội, UBMTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách của thành phố, các quận, huyện liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân tạo nên sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất hành động.

Nội dung của phản biện xã hội tập trung vào các vấn đề lớn như: các dự thảo luật; các văn bản dự thảo về chủ trương, chính sách, kế họach, đề án, dự án, các văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp; các dự thảo đánh giá tình hình kinh tế xã hội và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại các kỳ họp HĐND các cấp, phản biện luật tín ngưỡng tôn giáo; phản biện luật hình sự; một số vấn đề thời sự được xã hội quan tâm như việc cải tạo hoặc xây dựng mới trường PTTH Châu Văn Liêm; tượng đài thanh niên xung phong;…..

Nếu trước đây, MTTQ chỉ thiên về góp ý kiến thì nay đã tích cực tham gia phản biện các văn bản luật, văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố.

Ba năm qua, kết qủa công tác giám sát, phản biện xã hội bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện qui chế, qui định về giám sát, phản biện xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền qua đó tạo được sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với cấp ủy,, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    UBMTTQ TP Cần Thơ: Dấu ấn quan trọng từ công tác giám sát, phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO