Ứng phó với biến đổi khí hậu: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ

Minh Quang 28/10/2017 08:25

Báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này, Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) cho hay, đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ đã tổ chức xây dựng các hoạt động nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2011- 2015, 2016- 2020.


Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến nông nghiệp.

Khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo đó, về BĐKH và triển khai kế hoạch Châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, Bộ KH&CN đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012), trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình BĐKH để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với BĐKH, nhất là ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng”.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức triển khai Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH”. Các kết quả đã phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng các kịch bản BĐKH và nước biển dâng, cung cấp cơ sở dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ đàm phán về BĐKH tại các hội nghị của Liên hợp quốc về BĐKH.

Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ ban hành về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức xây dựng Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”.

Trên cơ sở xem xét căn cứ pháp lý, tính cấp thiết, những đánh giá về kết quả của Chương trình trong giai đoạn vừa qua, cùng đề xuất các định hướng mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính, sản phẩm dự kiến và chỉ tiêu cần đạt được của Chương trình trong giai 2016-2020, ngay từ đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”.

Theo đó, mục tiêu chương trình nhằm ứng dụng có hiệu quả công cụ, mô hình tiên tiến trong giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây ra tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng).

Ngoài ra, chương trình còn nhằm mục đích cung cấp luận chứng khoa học cho việc đánh giá tiềm năng, giá trị của một số tài nguyên quan trọng trên đất liền và biển, hải đảo; đề xuất các định hướng quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia.
Được biết, nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là, ứng phó với BĐKH; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu. Ngoài ra, là việc nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn lồng ghép ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững của địa phương và các vùng trọng điểm; lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011 - 2015”.

Triển khai kế hoạch Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia nói trên, Bộ KH&CN cho biết: Tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, Bộ KH&CN được giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện 3 nhiệm vụ: Thứ nhất là đánh giá nhu cầu công nghệ thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của Việt Nam đối với một số lĩnh vực; tăng cường hợp tác với Mạng lưới Trung tâm khí hậu (CTCN) khu vực và toàn cầu; Thứ hai là rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về BĐKH; củng cố các cơ quan nghiên cứu về BĐKH đầu ngành; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ; Thứ ba là việc xây dựng hệ thống giám sát chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.

Mới đây nhất, theo thống kê từ Bộ TN&MT, trong số 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, hiện duy nhất tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris. Theo đó, các địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện bản kế hoạch này trong năm nay.

Hội nghị khu vực miền Bắc triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH vừa được Bộ TN&MT tổ chức gần đây tại Hà Nội cũng đã đưa ra nhận định: Khu vực Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng- đại diện là Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với sự gia tăng các thách thức về BĐKH như mưa lớn bất thường, nắng nóng kéo dài và tăng các cơn bão mạnh đến rất mạnh. Nếu nước biển dâng 100 cm tại khu vực này, Nam Định và Thái Bình là 2 tỉnh ngập nặng nhất với hơn 50% diện tích bị ngập.

Tại Văn bản số 199/TTg-QHQT ngày 8/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH nhằm triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị nói trên nhằm tập huấn việc triển khai cho các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với biến đổi khí hậu: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO