Ứng phó với rủi ro tài chính

Thúy Hằng (Thực hiện) 11/09/2017 09:50

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu đang giảm dần, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), mở rộng cơ sở thu thuế đang được đặt ra. Yêu cầu hiện nay đối với Việt Nam là cần phải có một kế hoạch tổng thể về cơ cấu lại NSNN để từng bước giảm dần mức bội chi ngân sách, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công. Ông Trương Bá Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính đã có cuộc trao với PV Đại Đoàn Kết.

Ông Trương Bá Tuấn.

PV:Thưa ông, bội chi ngân sách liên tiếp kéo dài. Cơ cấu lại NSNN, theo quan điểm chung là cần phải cơ cấu lại các khoản chi?

Ông Trương Bá Tuấn:Diễn biến những năm gần đây cho thấy, rất nhiều nước trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với một số rủi ro tài khóa nhất định, đặc biệt là khi xét từ tầm nhìn trung và dài hạn. Đó là tình trạng bội chi ngân sách kéo dài và sự gia tăng liên tục của nợ công. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy sự chậm trễ trong việc thực hiện củng cố tài khóa, cơ cấu lại NSNN có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế.

Để có thể cơ cấu lại NSNN một cách thành công và hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp toàn diện, kịp thời và giải quyết đồng bộ được các mặt có liên quan đến nền tài chính công.

Cụ thể là: Thực hiện cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi NSNN theo một lộ trình tổng thể, giảm dần quy mô chi thường xuyên, thực hiện giảm bội chi với một cam kết mạnh mẽ; cải cách hệ thống chính sách thuế để hình thành một hệ thống thuế với cơ cấu phù hợp, bền vững.

Trong đó, các nước cũng đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các sắc thuế đang có tiềm năng và dư địa mở rộng quy mô thu NSNN như thuế GTGT, thuế tài sản. Đồng thời, chủ động kiểm soát chặt chẽ các rủi ro về nợ công, kiên định duy trì các giới hạn về nợ công theo mục tiêu đề ra; nâng cao kỷ luật tài khóa.

Để cơ cấu lại NSNN, Bộ Tài chính đang đưa ra định hướng sửa đổi 5 luật thuế, mở rộng cơ sở thuế để tăng thu. Liệu điều này có hợp lý?

- Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP đang thấp hơn kỳ vọng cùng với việc thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan ở mức cao khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, quy mô thu NSNN của Việt Nam thời gian tới có thể sẽ không đạt được các mức tính toán ban đầu khi xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nếu không có các điều chỉnh về chính sách thu NSNN phù hợp, kịp thời.

Trong khi đó, áp lực về nguồn lực cho đầu tư phát triển và cho việc thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, cải cách tiền lương hay ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai… những năm tới dự báo cũng sẽ còn rất lớn. Theo tôi, việc sửa đổi 5 luật thuế như đề xuất mới đây của Bộ Tài chính sẽ góp phần cơ cấu lại nguồn thu NSNN; đảm bảo tính bền vững hơn trong cơ cấu thu NSNN, đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý, đảm bảo sự phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới hiện nay.

Thưa ông, tăng mức thuế suất thuế GTGT như đề xuất của Bộ Tài chính (từ 10% lên 12%) sẽ có tác động rất lớn đến quyết định tiêu dùng trong xã hội?

- So với các sắc thuế thu nhập, thuế GTGT được cho là hiệu quả hơn và ít gây các tác động “bóp méo” đối với các quyết định tiêu dùng trong xã hội. Nhược điểm của thuế GTGT được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến là tính lũy thoái, song nhược điểm này có thể được khắc phục một phần thông qua các cách thức thiết kế chính sách phù hợp.

Ở nước ta, để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp, Luật thuế GTGT hiện hành đã quy định hầu hết các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống của người dân đều thuộc đối tượng không chịu thuế (hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ) hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi 5% (như: thực phẩm tươi sống; thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp...).

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với rủi ro tài chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO