Ứng phó với tin đồn chứng khoán

VÂN HẰNG 17/07/2022 07:56

Gần đây, tin giả, tin đồn lại xuất hiện trên thị trường chứng khoán khiến các cổ phiếu lớn, nhỏ cùng nhau lao dốc. Về nguyên nhân tin đồn thất thiệt vẫn ngang nhiên “oanh tạc”  thị trường, nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thị trường chứng khoán phiên 11/7 thiệt hại nặng nề bởi “tin đồn”. Ảnh minh họa.

Lao đao trước tin đồn thất thiệt

Vụ việc nhóm người tung tin đồn trên mạng xã hội về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh mới đây đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dữ liệu của Forbes cho thấy, tính đến 3h chiều 11/7 (giờ Việt Nam), giá trị khối tài sản ròng của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã giảm khoảng 283 triệu USD so với trước đó.

Nguyên nhân dẫn tới việc khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng giảm mạnh có thể đến từ việc trong phiên giao dịch sáng 11/7, bộ 3 cổ phiếu “họ Vingroup là VIC, VHM và VRE đồng loạt giảm mạnh. Kết phiên giao dịch ngày 11/7, giá đóng cửa bộ ba cổ phiếu họ Vingroup lần lượt là VIC (70.000 đồng/cổ phiếu), VHM (60.500 đồng/cổ phiếu) và VRE (26.000 đồng/cổ phiếu).

Ngay trong ngày 11/7, Thanh tra Sở TTTT Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng Tô Vĩ Hoàn do đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, nhằm bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup. Đây không phải là lần đầu tiên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư và doanh nghiệp lao đao vì tin đồn.

Trước đó, đã có hàng loạt tin đồn, tin giả gây chao đảo thị trường, như mới đây, sau khi lãnh đạo các tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh bị bắt, hàng loạt các tin đồn thất thiệt đã xuất hiện trong các hội nhóm kín. Thông tin chưa kiểm chứng này đã gây ra sự hoang mang cho nhà đầu tư, khiến cổ phiếu các đơn vị bị ảnh hưởng mạnh.

Hay từ đầu tháng 4 năm nay, thị trường chứng khoán cũng trải qua một phen chao đảo trước tin đồn về ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Gelex. Không ít nhà đầu tư mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vì trót vội bán cổ phiếu khi các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện.

Có thể thấy, bản thân doanh nghiệp dù đã gần như ngay lập tức phải lên tiếng phân bua, giải thích về tin đồn nhưng cũng không đủ mạnh để nhà đầu tư yên tâm không bán tháo cổ phiếu. Không ít nhà đầu tư khóc ròng vì bị thiệt lớn do tác động của tin đồn.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu tài khoản. Nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,8 triệu tài khoản trong nửa đầu năm 2022, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản trong cả năm ngoái. Lượng tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm chiếm đến 1/3 tổng số tài khoản chứng khoán trong hơn 22 năm hoạt động.

Đáng chú ý, lượng tài khoản mới lớn chưa từng có trong lịch sử lại xuất hiện đúng vào giai đoạn sóng gió nhất của thị trường trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, tin đồn thất thiệt liệu có gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư?

Về phía nhà đầu tư, anh Nguyễn Quốc Trung (quận Hà Đông, TP Hà Nội) - một nhà đầu tư vừa tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay lo ngại: Tôi không nghĩ chứng khoán lại nhạy cảm và dễ mất tiền đến như vậy. Từ đầu năm, nghe bạn bè khoe năm ngoái họ trúng lớn nhờ đầu tư cổ phiếu nên tôi quyết định rút tiết kiệm 600 triệu đồng, mở tài khoản chứng khoán để đầu tư. Vài đợt đầu tôi cũng lời khoảng 10%.

Gần đây, nghe nhiều người nói cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VHM và VRE có thể đầu tư có lời. Nhưng mấy ngày qua tôi như ngồi trên đống lửa do giá cổ phiếu giảm sâu. Đợi vài phiên nữa, nếu thị trường tốt hơn, tôi sẽ bán hết và không chơi chứng khoán nữa”.

Tăng cường chế tài xử phạt

Đề cập tới những tin đồn xuất hiện trên thị trường tài chính trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng cực kỳ nhạy cảm. Khi xuất hiện những tin đồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tác động mạnh tới những tổ chức, cá nhân hứng chịu các tin đồn này. Thậm chí cả các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan tới họ.

Thế nhưng hiện nay có thực tế là dù nhà đầu tư mất tiền nhưng không người tung tin nào bị xử lý hình sự và vẫn chưa ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các tin đồn gây ra với nhà đầu tư.

Đánh giá chế tài hiện nay phạt người tung tin đồn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe, ông Thịnh kiến nghị tăng mức phạt với các đối tượng tung tin đồn.

Ở một góc nhìn khác, đề cập tới câu chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam luôn bị biến động theo tin đồn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bày tỏ: Đã chơi chứng khoán là chấp nhận một kênh đầu tư có nhiều rủi ro nên chuyện muốn lời cao mà không bị thiệt hại, không dính vào tin đồn lướt sóng là rất hiếm. Thay vào đó, để ứng phó với tin đồn, hãy là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải am hiểu mới chơi, không am hiểu thì nên đầu tư bằng cách mua cổ phiếu của các quỹ đầu tư. Bởi những quỹ đầu tư chuyên nghiệp thường có đủ chuyên gia để phân tích tin đồn đúng hay sai.

Về phía quản lý, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho biết: Một trong những nhiệm vụ được Ủy ban đưa ra là phối hợp với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.

“Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư”, bà Bình khuyến cáo.

Trước thực trạng trên, ngày 11/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, đối với thị trường cổ phiếu, Nghị quyết yêu cầu, các cơ quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường. Tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường.

Nghị quyết hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống. Theo đó, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cố phiếu và trái phiếu.

Đáng chú ý là việc xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. Bảo đảm hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt; đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với tin đồn chứng khoán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO