Ung thư tuyến giáp - nguy cơ trẻ hóa

Đức Trân 03/11/2021 06:30

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ác tính phổ biến nhất, chiếm 90% trong tổng số bệnh nhân mắc các bệnh ung thư về tuyến nội tiết. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao trên thế giới.

BS Nguyễn Thị Hạnh, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ phía trước và dưới. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là tiết ra hormon vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, làm cho não, tim, các cơ và nhiều cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định.

Theo chuyên gia, bệnh ung thư tuyến giáp thường không có các dấu hiệu rõ ràng, do vậy tiềm ẩn di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Ung thư tuyến giáp trong giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng hoặc dấu hiệu nào đặc biệt, xét nghiệm hormon tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường.

Còn Đại tá PGS.TS Lê Ngọc Hà, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện 108 cho biết, bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi. Tuy nhiên, đối với phần lớn bệnh nhân vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể nào gây ra ung thư tuyến giáp.

Phơi nhiễm bức xạ liều cao ở thời niên thiếu làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Trước năm 1960, điều trị bằng tia X khá phổ biến trong ung thư vú, bệnh hạch ác tính Hodgkin, bệnh trứng cá, viêm amiđan. Nếu vùng cổ của bệnh nhân không được che chắn cẩn thận thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp là khá cao. Tuy vậy, những xét nghiệm thông thường như chụp X-quang hàm mặt, X-quang ngực, nhũ ảnh (mammography) không gây ung thư tuyến giáp.

Ở những vùng xảy ra thảm họa hạt nhân như Checnobyl (Nga) và Fukushima (Nhật Bản), trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao nhất sau một vài năm. Tuy nhiên, thậm chí người lớn cũng có thể mắc ung thư tuyến giáp sau 40 năm. Dân cư xung quanh khu vực có lò phản ứng hạt nhân hoặc trong vòng bán kính 200 dặm nơi xảy ra thảm họa hạt nhân có thể uống kali iốt đua (potassium iodide) để phòng ung thư tuyến giáp.

Một điểm khác được Đại tá Lê Ngọc Hà nhấn mạnh, hiện nay ung thư tuyến giáp đang có dấu hiệu tăng cao, theo ghi nhận, phụ nữ trong độ tuổi lao động từ 25-50 là đối tượng có tỷ lệ cao phát hiện mắc căn bệnh này.

Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, tình trạng trẻ hóa ung thư tuyến giáp đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Trước đó, một bệnh nhi 15 tuổi đến từ Lào Cai đã được phát hiện ung thư tuyến giáp với tình trạng khối u di căn nhiều kèm kích thước lớn tại Bệnh viện Nội tiết trung ương.

Thông tin từ cơ sở y tế này cho biết, bệnh nhân V.B.M., 15 tuổi trước khi nhập Bệnh viện Nội tiết Trung ương 10 ngày có triệu chứng mệt mỏi tăng dần, hồi hộp trống ngực. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai được chẩn đoán K giáp/cường giáp và được chuyển xuống Bệnh viện Nội tiết trung ương.

Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, sau khi thực hiện các chỉ định chụp cắt lớp cho kết quả, tại khu vực tuyến giáp của bệnh nhân V.B.M. xuất hiện nhiều hạch, kích thước hạch lớn 35x28 mm. Bởi vậy, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ hạch bên trái, phải và trung tâm tuyến giáp của bệnh nhân V.B.M.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần - trong đó có siêu âm tuyến giáp, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng. Trường hợp thấy xuất hiện khối u ở cổ thì cần phải tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết để tầm soát và phát hiện sớm.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh lý này mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, tăng cường vận động để giúp cơ thể chuyển hóa tốt.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh lý tuyến giáp, mọi người cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hormon tuyến giáp; Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm... Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg; Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng; Không hút thuốc lá; Khám sức khỏe định kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ung thư tuyến giáp - nguy cơ trẻ hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO