Ứng xử với không gian làng

Hoàng Minh (ghi) 14/07/2016 11:45

“Trong gần một thế kỷ rưỡi Hà Nội đô thị hóa theo mô hình hiện đại, con người đã và đang ứng xử với làng theo hai cung cách hoàn toàn trái ngược. Hoặc can thiệp sâu hoặc quyết liệt làm thay đổi cấu trúc làng xóm, để làng xóm phá vỡ cấu trúc truyền thống”. Đó là nhận định của KTS Vũ Hoài Đức – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tại Đại hội Hội Kiến trúc sư Hà Nội lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Làng gốm cổ Kim Lan, Hà Nội.

Hơn 60 năm sau ngày giải phóng, trải qua một quãng đường hào hùng và gian khó, Thủ đô đã và đang phát triển bùng nổ, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Bên cạnh những vấn đề bất cập mà bất cứ đô thị nào trong giai đoạn phát triển cũng gặp phải như: ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, quá tải…

Những khu vực làng xóm cũ ven đô, từng bước trở thành cư dân đô thị, nhưng lại hoàn toàn trở thành “khoảng trống” thực sự trong chuyện quản lý xây dựng hay trong việc cải tạo, bảo tồn. Những xóm làng với những địa danh: Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi ….vẫn còn nguyên đó trong 4 quận nội thành cũ.

Nhưng hồ, ao các khoảng đất canh tác xen cài trong làng xóm dần bị xóa bỏ, thay thế bằng những công trình khác. Người dân tự tách nhỏ các khu đất nhà ở của cha ông trong làng xóm; để bán thu lời hay sinh nhai, để chia thừa kế cho con cái. Mật độ xây dựng Đình, Đền, Chùa… trong khu vực, nhưng hiếm có công trình nào có được khoảng không gian để “thở” bởi đã bịt kín mít xung quanh.

Giờ đây, chính những công trình ấy lại trở thành những khoảng không gian thoáng đãng còn sót lại trong làng xóm ngày xưa. Thật khó để tìm thấy những cổng làng quý báu, những cây đa, giếng nước đầu làng…những không gian “linh hồn” của làng quê còn sót lại ở cái gọi là “làng trong đô thị” ấy.

Đáng sợ là hình thái ấy vẫn đang âm thầm lan tỏa ra các khu vực đang phát triển đô thị mạnh mẽ: từ Nhật Tân, Nghĩa Đô, Quan Hoa, Dịch Vọng… qua Yên Hòa, Trung Hòa, Nhân Chính xuống Khương Trung, Kim Giang…đến tận Vĩnh Hưng, Vĩnh Tuy, Yên Sở.

Điều đáng lo ngại hơn nữa, chính là sự phát triển của làng xóm ở các khu vực xa đô thị ở thời kỳ này, cũng đang đe dọa sự tồn tại của mô hình định cư truyền thống. Những con đường đổ bê tông thay thế những con đường lát gạch chỉ mại xưa kia…(đi trên chẳng hề dễ chịu như trên những con đường xưa cũ), những công trình kiến trúc đủ hình thức thi nhau thay thế những nhà mái ngói ba gian truyền thống của làng quê. Những vườn cây, rặng tre đang dần biến mất hay bị che khuất bởi những khối bê tông nhại lại bóng hình đô thị.

Đã đành rằng đi đôi với phát triển là sự xuất hiện của những cái mới, thay thế cái cũ. Nhưng những cái mới ấy đang dần phá vỡ không gian và bộ mặt truyền thống của xóm làng thì thật đáng lo ngại.

Bao năm qua, chúng ta đang bỏ ngỏ việc quy hoạch – xây dựng làng xóm cả trong và ngoài đô thị. Hầu hết các làng xóm đều được khoanh lại trong quy hoạch xây dựng, ngoại trừ các hệ thống đình, đền chùa được giữ lại; một vàu nét vẽ đứt đoạn cho những con đường dự kiến mở rộng . Nhà ở trong làng xóm có mật độ xây dựng – tầng cao được xác định trung bình… và tất cả sẽ “thực hiện theo dự án riêng”…

Chẳng rằng, ai cũng sẽ thích thú khi thấy những công trình mới có quy mô vừa phải hài hòa…thấp thoáng bên những xóm truyền thống; ai cũng thấy cái cổng làng xưa cũ được lưu giữ, con đường làng vẫn khoác trên mình hàng gạch đỏ au; chỉ một lũy tre, gốc cây, bờ ao được bảo vệ vẹn toàn…cũng là điều vô cùng quý báu.

Và sẽ hay hơn biết bao nếu có những nguồn sống mới để níu giữ người dân ở lại với xóm làng; để họ không phải bán đi mảnh đất của cha ông hoặc phải chia nhỏ nó ra. Có lẽ đã đến lúc đầu tư nhiều hơn cả về trí và lực cho bảo tồn, cải tạo và dựng xây làng quê trong thời đại mới.

Ông Nguyễn Văn Hải trúng cử Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Sáng 13/7, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hội Kiến trúc sư Hà Nội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Trong nhiệm kỳ V (2010 – 2015), Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã có sự phát triển đều đặn cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của TP Hà Nội, đồng thời hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác đề ra. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội khóa VI, nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm 23 người, trong đó KTS Nguyễn Văn Hải được bầu giữ chức Chủ tịch và 5 người khác được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với không gian làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO