Ứng xử với Triều Tiên: Mỹ ngừng chính sách 'kiên nhẫn'

Linh Chi 18/03/2017 08:05

Khả năng Mỹ sử dụng hành động quân sự để đối phó với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là một trong số những lựa chọn của nước Mỹ- Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố trong hôm 17/3 sau khi cảnh báo rằng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” đối với Bình Nhưỡng đã kết thúc.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se tại Seoul.

Trong một tuyên bố cứng rắn chưa từng có dường như là tín hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối phó với Triều Tiên của Mỹ, nhà ngoại giao quyền lực nhất của nước này đã nói rằng các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cần phải bị ngăn chặn ngay lập tức.

“Chắc chắc chúng tôi không muốn làm như vậy, những thứ như xung đột quân sự” – ông Tillerson nói trong cuộc họp báo tại Seoul, Hàn Quốc; tuy nhiên thêm rằng: “Nếu họ gia tăng mối đe dọa từ chương tình vũ khí đến một mức độ mà chúng tôi tin là cần phải hành động, thì lựa chọn đó sẽ được cân nhắc”.

“Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”- ông Tillerson nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se. “Chúng tôi đang xem xét hàng loạt các biện pháp kinh tế, an ninh và ngoại giao mới. Tất cả lựa chọn đều được cân nhắc”.

Được biết, chính sách “Kiên nhẫn chiến lược” là cụm từ ám chỉ một chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong đó Washington lựa chọn các biện pháp mềm mỏng với Triều Tiên cho tới khi họ đưa ra cam kết phi hạt nhân hóa, với hy vọng căng thẳng nội bộ ở Bình Nhưỡng sẽ mang tới sự thay đổi.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á - mà Hàn Quốc là điểm đến thứ hai là chuyến công du đầu tiên của ông sau khi nhậm chức. Bài phát biểu của ông trong hôm 17/3 được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông phát biểu tại Tokyo rằng 20 năm nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã thất bại và cam kết đưa ra một hướng tiếp cận mới.

Triều Tiên từ lâu đã nuôi dưỡng tham vọng trở thành một cường quốc hạt nhân, và đã lần đầu thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất trong năm 2006, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Kể từ sau sự kiện đó, Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm thêm 4 vụ thử nghiệm hạt nhân, 2 trong số này diễn ra hồi năm ngoái.

Trong bài phát biểu tại Seoul, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng việc cho phép Triều Tiên duy trì mức độ phát triển công nghệ vũ khí như hiện nay là không phù hợp. “Điều đó sẽ khiến Triều Tiên có thêm khả năng vũ khí đáng kể, và sẽ làm nảy sinh một mối đe dọa thực sự”-ông Tillerson nói.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết Seoul và Washington cùng nhau chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện đối với Triều Tiên mặc dù Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết theo đuổi tham vọng hạt nhân của nước này.

Cũng theo Ngoại trưởng Byung-se, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại mà Mỹ đang triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc chỉ nhằm đối phó với Triều Tiên, chứ không đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Phát biểu này của ông Byung-se được cho là nhằm vào Trung Quốc- quốc gia liên tục phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa chung Mỹ - Hàn vì cho rằng điều này sẽ làm tổn hại tới an ninh của Bắc Kinh.

“Chúng tôi tin những hành động này là không cần thiết và gây rắc rối”- ông Tillerson nói, ám chỉ điều mà Hàn Quốc coi là đòn trả đũa của Trung Quốc dưới hình thức những hạn chế về thương mại.

“Chúng tôi cũng tin đây không phải là cách mà một cường quốc khu vực giúp giải quyết một mối đe dọa nghiêm trọng đối với mọi người. Vì thế chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi quan điểm về việc trừng phạt Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng họ sẽ làm việc với chúng tôi để rút ra lý do cần đến THAAD” – ông Tillerson nói thêm.

LHQ đã áp đặt nhiều lớp lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng để kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn ngập ngừng trong việc thực thi hoàn toàn lệnh cấm vận này. Chính vì lý do này, ông Tillerson cũng có chuyến thăm Bắc Kinh trong hôm 18-3 để thúc đẩy chính quyền nước này nỗ lực nhiều hơn trong việc kiềm chế nước láng giềng rắc rối.

“Tôi không tin rằng chúng ta đã thực thi đầy đủ và ở mức độ cao nhất các hành động mà nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ quy định đối với tất cả các nước tham gia. Chúng ta biết rằng các quốc gia khác cũng có thể đưa ra hành động”- ông Tillerson nói.

Trước đó, trong cùng ngày 17/3, ông Tillerson cũng có chuyến thăm tới khu vực Phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên. Dưới con mắt theo dõi của các binh sỹ Triều Tiên, ông Tillerson đã tới thăm cả khu vực an ninh chung Panmunjom, được canh gác cẩn trọng bởi cả Triều Tiên và quân đội LHQ do Mỹ dẫn đầu kể từ sau khi Chiến tranh Liên Triều kết thúc vào năm 1953.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với Triều Tiên: Mỹ ngừng chính sách 'kiên nhẫn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO