Ứng xử với văn bản phi lý

Hoàng Mai 23/06/2015 14:16

Hôm qua (22-6) trong phiên làm việc tại hội trường, ĐBQH đã biểu quyết thông qua Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 88,87% ĐBQH có mặt tán thành; tức là chiếm số đông với một Dự án luật mà theo đánh giá của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu là quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều vị ĐBQH. Nói là quan trọng và nhận được nhiều quan tâm vì nó quy định chi tiết thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thẩm quyền ban hành văn bản quy phạ

Trong đó, người ta đặc biệt quan tâm tới vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng chương trình pháp luật, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến, xem xét thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể hơn nội dung gì trong Dự thảo luật. Bên cạnh đó còn có việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật.

Còn nhớ, trong cuộc thảo luận tại hội trường về Dự án luật này cách nay không lâu, khi nói về trách nhiệm, ĐB Trần Hồng Thắm (TP. Cần Thơ) đã đề nghị Ban Soạn thảo dự luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết hoặc tham mưu ban hành văn bản trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Cũng một quan điểm như vậy, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh đến việc, Dự thảo luật cũng cần quy định cơ chế xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền đã vi phạm các nguyên tắc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong công tác này.

Yêu cầu như thế là bởi, tư duy của ĐBQH muốn các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công quyền phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. Và, ĐBQH mong muốn, nhờ việc quy định cụ thể chi tiết như thế sẽ khắc phục tình trạng một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết được ban hành nhưng khi áp dụng không đảm bảo tính khả thi như thời gian qua. Nỗi lo ấy của ĐBQH là có thật và cử tri sự thực cũng đã có vài phen khốn đốn hoặc suýt khốn đốn với các văn bản pháp luật chả đâu vào đâu như kiểu quy định ngực lép cấm lái xe hay thịt đã để qua 8 tiếng thì không được bán buôn. Sở dĩ, những quy định như thế cứ được đưa ra làm ví dụ mỗi khi dân tình nói đến tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật là vì, nó có manh nha của sự gây khó cho người dân.

Hãy nghe ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nói thì khắc rõ: “Thực tế trong thời gian qua cho thấy nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ và địa phương ban hành thủ tục hành chính tùy tiện, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Có loại thủ tục hành chính hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế kể cả những giấy phép con do các cơ quan quản lý tự quy định. Nhiều thủ tục hành chính đã được Chính phủ quy định nhưng các bộ lại lách để quy định gây khó khăn cho việc kiểm soát. Nghị định 63 chỉ cho phép đến cấp tỉnh quy định thủ tục hành chính. Do vậy, Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này cần tiếp tục hạn chế chủ thể có quyền đặt ra thủ tục hành chính theo hướng nên quy định cấm ban hành các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật của cấp bộ trở xuống để đảm bảo tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và theo tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013”. Thế là chả phải người dân mà chính các DN cũng cảm thấy khá phiền hà với một đống thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước ban hành. Không hợp lý đã đành nhưng còn có cả loại hợp pháp nhưng không hợp lý.

Cũng vì thế mà ĐBQH đã hiến kế cho Ban Soạn thảo với mong muốn khắc phục phần nào tình trạng này khi đề nghị cần, rất cần lấy ý kiến cá nhân, tổ chức chịu tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật như đề xuất của ĐBQH Phạm Minh Tấn (Đắc Lắc) hay như kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Thanh.

Nhưng, có một vấn đề đặt ra là ứng xử thế nào với không chỉ các văn bản ban hành sai trình tự, thủ tục mà còn là ứng xử với pháp nhân, cá nhân ban hành sai. Cũng vì thế, nhiều ĐBQH tuy đồng tình với việc cơ quan soạn thảo đã thiết kế một điều luật quy định về trách nhiệm của cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 6 nhưng cũng không quên đề nghị quy định rõ hơn các chủ thể quy định tại điều này phải chịu trách nhiệm trước ai? Chịu trách nhiệm như thế nào? Nếu không thực hiện đúng trách nhiệm của mình làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Không phải ĐBQH nói không có lý vì chậm ban hành là một lỗi; còn ban hành một văn bản không hợp lý gây khó cho người dân, tính khả thi thấp lại là một lỗi khác. Nếu không quy định rõ trách nhiệm, không có chế tài sẽ rất khó thực thi. Quan trọng hơn cả là rất khó đảm bảo tính khả thi của điều luật này. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày trước khi QH thông qua Dự án luật, thật may, Ủy ban này đã đề nghị QH cho bổ sung quy định trách nhiệm theo hướng: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định và cơ quan ban hành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất… và coi đây là một căn cứ để ĐBQH xem xét việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như thế là đã có nhưng quan trọng nhất là quy trách nhiệm thế nào để không có sự đùn đẩy trách nhiệm từ cao xuống thấp mới là quan trọng. Nếu không, e là mong muốn truy trách nhiệm khó đạt yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với văn bản phi lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO