Ước mơ lớn của Bùi Viện

Từ Khôi 23/12/2015 18:24

Trong dòng chảy êm đềm chế độ phong kiến triều Nguyễn giai đoạn vua Tự Đức bỗng nổi lên những nhân vật lịch sử mà đến nay còn gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhiều bài học. Một trong những con người đó là Bùi Viện. Mặc dù Đại Nam thực lục chính biên (đệ tứ kỷ) – bộ sử lớn của triều Nguyễn không hề ghi chép đến ông, nhưng giới sĩ phu đương thời lại dành cho ông nhiều lời lẽ cảm phục, hậu thế nhắc tới ông với vẻ ngậm ngùi của một ước mơ vĩ đại dở dang.

Dẹp loạn, mở cảng

Bùi Viện quê quán làng Trình Phố, tổng An Bồi, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định, (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Ông sinh năm 1839 trong một gia đình nhà nho. Cụ thân sinh ra ông được tiếng mát tay bốc thuốc. Năm Giáp Tý Tự Đức 17 (1864), Bùi Viện và em trai là Bùi Phủng cùng lều chõng đi thi và đậu tú tài. Qua mấy năm lận đận, ông đều thi trượt, còn người em Bùi Phủng lại đỗ cử nhân năm Tự Đức 20 (1867). Câu nói của dân gian “học tài thi phận” với ông kể cũng không sai chút nào. Đến năm Mậu Thìn (1868), Bùi Viện mới đỗ cử nhân. Sau lần thi hỏng kỳ thi đình ở Huế, Bùi Phủng được bổ chức quan Án sát Hưng Hóa, còn Bùi Viện nán lại kinh thành.

Tại Huế, Bùi Viện tá túc tại nhà bằng hữu của cha là Trạng Bồng Vũ Duy Thanh. Lúc đó, Trạng Bồng Vũ Duy Thanh giữ chức Tế tửu Quốc tử giám. Tại đây, Bùi viện được diện kiến Tham tri bộ Lễ Lê Tuấn (quê Hà Tĩnh) và cả hai đều tâm đầu ý hợp, theo cách nói bây giờ là “cùng kênh”.

Giữa khi đó, xảy ra nạn phản loạn ở phía Bắc. Cùng với Quản Thỏa, Quản Uy, Quản Cáo, Quận Tề (Quảng Văn Tề) người làng Liên Hà, huyện Cát Bà, tỉnh Quảng Yên (thuộc Hải Phòng bây giờ) lấy danh nghĩa phù Lê diệt Nguyễn khởi binh. Thanh thế Quận Tề càng mạnh khi Đổng lý quân vụ Lê Hữu Thường và Tham tán quân vụ Văn Đình Khuê do triều đình cử ra dẹp loạn bị tử trận. Thế bí, năm 1871, triều đình cử Lê Tuấn ra Bắc dẹp loạn Quận Tề. Tất nhiên, Lê Tuấn không thể không đem người tâm phúc và lọc lõi xứ Bắc như Bùi Viện theo. Ban đầu, Bùi Viện giữ trọng trách lo quân lương. Rồi lo việc do thám nội tình giặc. Bùi Viện khôn khéo đã dụ dỗ “địch vận” vây cánh của Quản Uy, Quản Cáo làm nội công từ đó giúp cho chiến trận mau chóng thắng lợi.

Trong khi Quận Tề chưa dẹp xong thì Bùi Viện được Doanh Điền sứ Doãn Uẩn (có tài liệu viết là Doãn Khuê, người Nam Định) mời lo việc khai mở cảng Hải Phòng. Lúc đó, địa điểm được triều đình chọn là bến Ninh Hải nằm trong một thôn nhỏ, gần với cửa Cấm. Đây là chốn neo đậu của mấy thuyền chài kiếm ăn ngoài bể. Nhiệm vụ của Doãn Uẩn giao cho Bùi Viện là “thổi bay” đống bùn lầy Ninh Hải thành một quân cảng kiêm thương cảng để buôn bán với ngoại quốc. Bên trong cảng có thành phố và Thương chính - cơ quan chính phủ.

Bùi Viện nhận mệnh đã chiêu mộ các dân phu, kể cả binh sĩ để cùng lúc làm hai việc: ban ngày thì xây dựng và ban đêm thì đánh dẹp. Ban ngày Bùi Viện đốc thúc việc đào sông, tháo nước ra bể, đắp đấp để làm nền móng cho các phủ đệ sau này. Ban đêm, ông chỉ đạo binh sĩ phòng ngự giặc từ ngoài bể tràn vào hoặc thổ phỉ từ bên trong nổi lên cướp phá. Tiếp đó, Bùi Viện được bổ sung cho Tôn Thất Thuyết đi đánh dẹp Quận Tề và vợ Quận Tề ở miền Đông Triều, Chí Linh. Vất vả một thời gian thì dẹp được loạn, giết được Quận Tề và vợ.

Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu

Ngoại giao, xây dựng tuần dương quân

Sau sự kiện Hà thành thất thủ năm 1873, triều Nguyễn thấy cần thiết phải dùng đường lối ngoại giao để làm cho nước mạnh, chống lại quân Pháp. Bùi Viện đã đuợc Lê Tuấn tiến cử lên vua Tự Đức. Và nhà vua đã tảo trọng trách cho Bùi Viện du ngoạn nước ngoài để cầu tìm sự cải cách.

Bùi Viện đến Hương Cảng, kết giao với sứ thần Hoa Kỳ ở đó. Qua tâm sự, sứ thần Hoa Kỳ khuyên Bùi Viện nên đến Hoa Thịnh Đốn (Hoa Kỳ). Chả nề hà, Bùi Viện liền đáp tàu buôn Mỹ để đi. Trong thời gian ở Hoa Kỳ một năm, Bùi Viện đã tận mắt chứng kiến sự phát triển của xã hội hiện đại. Ông được Tổng thống Ulysses S. Grant tiếp đón. Vị Tổng thống Mỹ vui vẻ hứa giúp. Tuy nhiên, một sự việc đã xảy ra ngoài dự trù của vua Tự Đức và Bùi Viện là không chuẩn bị quốc thư. Bùi Viện tạ từ xin về nước lấy quốc thư. Thế nhưng, khi về nước, một số quần thần lo ngại Bùi Viện sẽ lập công lớn, trở thành đại thần nên đã khuyên nhà vua không cấp quốc thư. Mất một thời gian Bùi Viện mới được trao quốc thư. Nhưng kết cục thật buồn khi ông quay lại nước Mỹ thì vị Tổng thống Ulysses S. Grant đã thay đổi lời hứa vì xu hướng chính trị đã thay đổi. Bùi Viện đành ôm hận trở về. Về nước, Bùi Viện gặp phải nỗi đau thứ hai là mẹ mất. Vua Tự Đức phê vào tờ biểu của Bùi Viện xin về thụ tang mẹ: “Trẫm với ngươi tuy chưa có ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng, quỷ thần tất cũng biết vậy”.

Sau ba tháng chịu tang, Vua Tự Đức triệu ông về triều giao cho chức Thương chính tham biện (quan coi việc buôn bán, bảo hộ an ninh trên biển). Nguyên cớ việc này xuất phát từ một bài vè ông chế nhạo quan quân nhà Nguyễn đã không bảo vệ được thương thuyền của mình để cho giặc Tàu ô cướp phá. Vua tự Đức không những không giận mà còn giao cho ông trọng trách này. Sau mấy tháng lênh đênh khắp các vùng biển từ Nam Định vào Quảng Nam, Bùi Viện trở về Huế với một tập dự án dày dâng vua. Ông cho rằng: “Trị bệnh phải trị từ gốc, nghĩa là trước lo trừ giặc thì mới có hy vọng thông thương phát đạt”. Bùi Viện chứng kiến tuần tuần tiễu của triều đình chỉ có vài chiếc vừa chậm vừa nặng nề, trong khi Tàu ô hàng trăm chiếc, lại di chuyển nhanh. Khi bị truy đuổi, thuyền của cướp biển chỉ cần tránh vào chỗ nước cạn là thuyền to không sao vào được, bắn cũng không tới.

Vua Tự Đức ưng thuận biểu tâu của Bùi Viện và đã phong cho ông chức Tuần tải nha chánh quản đốc (một chức tương tự như Tổng trưởng Bộ hải quân kiêm hàng hải và thương mại). Ngay lập tức, Bùi Viện đã thành lập tuần dương quân và ban 20 khoản quy định cụ thể. Chủ yếu đội quân của tuần dương quân được tuyển là dân chài lưới và chính là lũ cướp ngoài bể, bất luận là người Việt hay người Hoa. Với sự khéo léo kỳ tài Bùi Viện đã tuyển dụng được trên 2000 quân. Bùi Viện chia Tuần dương quân làm hai đoàn. Đoàn thứ nhất là đoàn gồm những người Hoa do người Hoa chỉ huy gọi là Thanh Đoàn. Đoàn thứ hai là đoàn của người Việt lấy tên là Thủy Dũng. Cả hai đoàn đều do Bùi Viện và Phó quản đốc Đặng Văn Ứng chỉ huy. Bùi Viện lại cho đóng hơn 200 chiếc thuyền lớn lập làm thủy đội. Để huấn luyện hai đoàn quân, Bùi Viện đã diễn ca quân luật cho dễ thuộc.

Kể từ khi có tuần dương quân, lương tiền của triều đình chở qua lại các miền từ Bắc Kỳ và mạn Quảng Nam ra Huế không suy chuyển một ly. Các nhà buôn cùng nhờ sự yên ổn được đảm bảo mà đầu tư làm ăn lớn. Trong những trận chiến trên biển với giặc cướp, khi những người lính tuần dương bị tử nạn, Bùi Viện lo tang lễ trang trọng theo nghi thức quy định của Tuần dương quân. Do chính sách khôn khéo, tài tình của Bùi Viện nên Tuần dương quân ngày một phát triển. Cùng với việc tuần tiễu, bảo vệ cho các thương đoàn, Bùi Viện còn cho lập các chi điếm, kho chứa hàng ở các vùng biển như Ninh Hải, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam… Tại Huế, trụ sở của Tuần dương quân là lầu Thương Bạc, bên bờ sông Hương, chếch với cửa Thượng tứ Đông nam kinh thành. Bùi Viện cũng lập ra Chiêu Thương Cục - một công ty buôn lớn trên cửa Thuận An chuyên giao thương với nước ngoài. Trong nước thì thu mua nông sản đem bán và nhập hàng hóa hóa phẩm của Trung Hoa, châu Âu, Mỹ đem về.

Hoài bão của Bùi Viện tiếp tục được vua Tự Đức chấp thuận. Vua giao cho ông kiêm quản cả việc kinh doanh trên biển để có được lợi nhuận, từ đó có kinh phí sắm sửa vũ khí hiện đại cho quân triều đình.

Đang khi công việc tiến triển thì đột nhiên chiều ngày 1-10 năm Tự Đức 21 (1878), Bùi Viện thấy mình mẩy đau nhức, đến tối thì mất. Khi ấy ông chưa tròn 40 tuổi.

Tiếc thay, đã không ai đủ tài để tiếp tục công việc của Bùi Viện, nên chẳng mấy chốc Tuần dương quân tan rã. Để nói về chí lớn không thành của Bùi Viện, quan đại thần Nguyễn Tư Giản viết: “Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước; Chí lớn đành đem gửi biển non”. Còn Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến than rằng: “Làm việc chẳng ai làm, dọc đất ngang trời, trơ chí lớn; Cũ là người bạn cũ, ôm đàn mở sách, nhớ tình xưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước mơ lớn của Bùi Viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO