Ước mơ sau con số

Việt Thắng 20/03/2017 08:05

Tiếp sau Bình Dương, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cam kết đầy trách nhiệm: “xây nhà ở xã hội cho công nhân với mức giá 100 triệu đồng”. Đó là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với thực tế thu nhập của người lao động hiện nay thì giấc mơ sở hữu một căn nhà của công nhân vẫn còn rất xa tầm tay với.

Những căn hộ giá 100 triệu cho công nhân Bình Dương.

Trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia, mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020 đưa ra mục tiêu có khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN) có nhu cầu sẽ được giải quyết chỗ ở.

Tuy nhiên hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm. 20% có nhà ở, đồng nghĩa với 80% công nhân lao động đang thiếu nhà ở phải đi thuê, ở tạm, mà nói như lời ông Trịnh Trường Sơn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thì “hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân thuê đều rất chật hẹp, bình quân 2-3m2/người, tạm bợ, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và tình hình trật tự an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp”.

Và đó cũng là điều được 3.000 công nhân tại 8 tỉnh trọng điểm phía Nam đề cập đến khi đối thoại với Thủ tướng vào tháng 4-2016, với vấn đề hết sức cụ thể là “nhà ở” và “nhà trẻ”.

Sự bức thiết về nhà ở không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn, mà hiện hữu tạo áp lực lớn tại các khu công nghiệp, chế xuất. Cách làm được tỉnh Bình Dương đưa ra là cho xây 5.000 căn nhà xã hội có diện tích sàn 20m2, gác lửng 10m2 được thiết kế khá khoa học, gọn ghẽ và bán với giá 100 triệu đồng mỗi căn cho công nhân trên địa bàn.

Người mua có thể trả góp trong vòng 3-5 năm, nhờ đó hàng nghìn người thu nhập thấp đã có nhà ở. Còn tại TP HCM, theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, đơn vị đang hoàn thành một số hồ sơ về đề án nhà ở giá 100 triệu và từ 300 đến 500 triệu đồng.

Để có nhà ở xã hội giá 100 triệu mỗi căn như Bình Dương, dự án phải hội đủ 3 điều kiện: không chịu chi phí về đất (bồi thường, tiền sử dụng đất); phí đầu tư hạ tầng và diện tích căn hộ khoảng 25m2 (suất đầu tư 4 triệu đồng mỗi m2). Bên cạnh đó, khu nhà ở xã hội giá rẻ còn phải gắn với những nơi đông công nhân lưu trú như khu chế xuất, khu công nghiệp.

Vì vậy, muốn xây dựng nhà ở giá 100 triệu đồng ở TP HCM chỉ có 2 khu vực đủ các điều kiện là khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Linh Trung (quận Thủ Đức).

Hãy tạm gác lại con số 100 triệu đồng hay 300 triệu đồng. Thực tế với mức lương được trả trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động thì giấc mơ sở hữu một căn nhà của công nhân không phải là trong “tầm tay với”.

Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã từng đề cập thẳng thắn đến chuyện hiện giá nhà ở xã hội trên địa bàn quá cao, có dự án lên đến 15 triệu đồng/m2, cao hơn một số dự án nhà ở thương mại.

Mà theo ông đây là mức giá “người thu nhập thấp không thể mua” mà cần phải giảm xuống mức giá khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Còn tại Hà Nội, tại KCN Thăng Long nhà ở cho công nhân có thể đáp ứng cho 23 ngàn lao động nhưng mới chỉ 5-6 ngàn lao động vào ở do “không thể trả đủ tiền thuê”.

Trong khi mức hỗ trợ của doanh nghiệp cho công nhân thuê nhà hiện cao nhất là 150 ngàn đồng/tháng. Thuê nhà đã khó thì mua đượ nhà còn khó đến chừng nào.

Theo quy định hiện hành, nhà ở xã hội được hưởng các ưu đãi như không phải đóng tiền sử dụng đất, rồi ưu đãi về lãi suất vay vốn. Nhưng việc xây dựng được nhà ở xã hội giá rẻ lại phụ thuộc 70% vào chính quyền và 30% là doanh nghiệp.

Cách làm của TP HCM là nghiên cứu chịu toàn bộ chi phí đất, cung cấp mặt bằng sạch, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kiểm tra hai nguồn quỹ đất là đất Nhà nước quản lý nhưng hoạt động không hiệu quả và đất nhà ở xã hội của các dự án nhà ở thương mại (hiện theo luật là diện tích trên 10ha phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội) để làm quỹ đất cho nhà ở xã hội.

Nhưng trên hết là cần khuyến khích xã hội hóa, huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và cá nhân, hộ gia đình đầu tư phát triển các khu nhà trọ để giải quyết nhu cầu thuê nhà của công nhân, người lao động khi “không mua được thì thuê”.

Chính vì thế một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc đến đó là để làm được nhà giá rẻ cần xây dựng được liên kết 4 nhà gồm: chủ đầu tư, công ty xây dựng, nhà cung cấp vật tư, ngân hàng- để giảm giá thành.

Liên kết trên còn cần có sự tham gia của Nhà nước mà đại diện là các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển nhà cho người thu nhập thấp.

Một nghiên cứu về môi trường sống của công nhân tại 100 khu công nghiệp ở Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố đã đưa ra một thực tế: Sự trì trệ trong việc cải thiện môi trường sống cho người lao động tại các khu công nghiệp khiến cho họ thường xuyên bỏ việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề xã hội.

“An cư để lạc nghiệp”, điều đó luôn đúng, vì thế việc lo nhà ở cho công nhân các KCN cần được đặt ra một cách cấp thiết, rõ ràng; để rút ngắn khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước mơ sau con số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO