Ươm mầm tương lai cho học sinh dân tộc thiểu số

Tùng Linh 12/09/2020 07:00

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Hà Nội tiền thân là Trường Phổ thông Trung học cấp II dân tộc nội trú huyện Ba Vì; Trường PTDTNT Hà Tây. Sau khi tỉnh Hà Tây hợp nhất về Hà Nội, trường được đổi tên thành Trường PTDTNT Hà Nội như ngày nay.

Một giờ học của học sinh Trường PTDTNT Hà Nội.

Việc ra đời một trường dân tộc nội trú tại vùng núi huyện Ba Vì có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần nâng cao dân trí và bồi dưỡng những tài năng thuộc con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), để các em có thể góp phần xây dựng quê hương, làng bản, thôn xóm cũng như thành phố Hà Nội trong hiện tại và tương lai.

Trường có chức năng quản lý và nuôi dạy con em đồng bào DTTS trên địa bàn 14 xã miền núi của thành phố Hà Nội (các em được học từ lớp 6 đến lớp 12), giáo dục cho học sinh tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; biết tôn trọng và bảo vệ truyền thống tốt đẹp của các dân tộc anh em. Đồng thời, giáo dục học sinh ý thức xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tinh thần chịu khó trong học tập, nếp sống văn minh, khoa học để sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể tiếp tục vào học các trường ĐH, CĐ, hay học nghề góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương, thôn bản của mình.

Ngày đầu mới thành lập, tháng 4/1994, nhà trường chỉ có 16 cán bộ nhân viên, trong đó có 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó, 7 giáo viên, 7 nhân viên và tuyển sinh 3 lớp (120 em) cấp THCS. Lớp học chưa có, thầy trò phải dạy học nhờ Trường THPT vừa học vừa làm Ba Vì (nay là Trường THPT Ba Vì), học sinh ở tại 1 dãy nhà cấp 4. Dù trong muôn vàn khó khăn của một trường trung học những ngày đầu thành lập nhưng khát vọng xây dựng một lớp người mới cho quê hương có đạo đức, tri thức, sức khỏe, đáp ứng nhu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc luôn cháy bỏng…

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ giáo viên và các em học sinh của nhà trường đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay trường đã có một cơ ngơi bề thế, khang trang giúp cho các hoạt động được thuận lợi, phong phú. Hàng năm có gần 1.000 học sinh được học tập, rèn luyện dưới mái trường này.

Về mặt hạnh kiểm, số học sinh xếp hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt từ 97% trở lên, trong nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội. Tỉ lệ học sinh xếp loại học lực Khá - Giỏi đạt từ 50% đến 70%; học sinh đạt loại Giỏi cấp huyện, cấp thành phố cũng như tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp học, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 thi đỗ vào các trường Đại học (Dự bị ĐH), Cao đẳng, THCN luôn ở mức cao. Nhiều thầy cô đã trở thành giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, có người trở thành quản lý, lãnh đạo địa phương. Nhiều học sinh ra trường trở thành giảng viên, nhà giáo, nhà báo, sĩ quan quân đội… công tác ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Đặc biệt có những học sinh sau khi ra trường tiếp tục quay lại trường công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục con em DTTS.

Học sinh trong trang phục dân tộc.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích, học sinh khóa 1, sau khi tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội đã quay trở lại trường, tiếp bước các thầy cô giáo với sự nghiệp trồng người. Cô Bích chia sẻ: “Tôi rất biết ơn Đảng, nhà nước cũng như các thầy cô Trường PTDTNT đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội học tập, tiến bước, có sự trưởng thành như ngày hôm nay. Và cũng rất tự hào khi tiếp tục được cống hiến sức mình cho công cuộc đào tạo, giáo dục con em DTTS”.

Các học sinh học tập tại đây, chiếm đa số là dân tộc Mường, Dao… Những học sinh ở các xã cách trường xa được ở lại trường, một phần nhỏ học sinh thuộc các xã Tản Lĩnh, Ba Trại… được ở ngoại trú. Với các học sinh nội trú, hàng ngày các em có lịch sinh hoạt, học tập nghiêm ngặt dưới sự quản lý của các thầy cô và Ban Quản lý nội trú. Sáng sớm sẽ có kẻng báo thức, gọi các em dậy tập thể dục. Ngoài các giờ học chính khóa, các em tự học buổi chiều và buổi tối, dưới sự giám sát của thầy cô trực ban. Để tạo thói quen gìn giữ bản sắc dân tộc cho các học sinh, những buổi sáng thứ Hai chào cờ đầu tuần hoặc trong các dịp biểu diễn văn nghệ, giao lưu… các học sinh đều phải mặc quần áo dân tộc.

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn có ý thức và xác định vị trí, chức năng nhiệm vụ của một nhà trường chuyên biệt, nuôi dạy, quản lý giáo dục và rèn luyện học sinh con em đồng bào DTTS của thành phố trở thành con người phát triển toàn diện về trí, đức, thể, mỹ. Nhà trường đã tham gia các hội thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các trường PTDTNT toàn quốc, tạo điều kiện cho các học sinh DTTS được giao lưu, học hỏi. Năm 1998, tổ chức tại Thanh Hóa, năm 2002 tổ chức tại Gia Lai, năm 2006 tổ chức tại Bắc Giang, năm 2010 tổ chức tại Quảng Ngãi, năm 2014 tại Cần Thơ… Qua những lần tham gia, nhà trường được Bộ GDĐT tặng cờ đơn vị xuất sắc, xếp hạng từ thứ 3-6 toàn quốc.

Đại diện lãnh đạo nhà trường chia sẻ: Đến thời điểm này có thể khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tạo ra động cơ tích cực, giúp cho các em học sinh vùng đồng bào DTTS của khu vực Hà Nội được theo học và dạt được kết quả hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Khẳng định việc xây dựng và phát triển hệ thống trường PTDTNT, trong đó có trường PTDTNT Hà Nội đã đóng góp được một phần tích cực vào nâng cao dân trí và bồi dưỡng những tài năng thuộc con em đồng bào DTTS, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương, làng bản, thôn xóm cũng như TP Hà Nội trong hiện tại và tương lai.

Trong những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả đào tạo, trong đó đội ngũ tiên phong đi đầu là các thầy cô giáo. Không ngừng nâng cao nghiệp vụ của bản thân, làm sao gần gũi yêu thương học sinh, góp phần vào việc dào tạo nguồn nhân lực con em đồng bào DTTS tại mái trường này, để các em thực sự cảm nhận mái trường PTDTNT là ngôi nhà chung, địa chỉ đáng tin cậy của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ươm mầm tương lai cho học sinh dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO