Ưu tiên cho người lao động

Tâm Như 04/10/2021 08:00

Theo Tổng cục Thống kê, sự phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao nhất kể từ quý I/2020 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp quý III là 3,72%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020. Tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp cả nước tăng lên 2,91%, trong đó khu vực thành thị là 3,78%, còn khu vực nông thôn là 2,39%.

Nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình việc làm, thất nghiệp thời gian qua có thể thấy dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh và ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Theo đánh giá của Cục Việc làm, số lao động thất nghiệp gia tăng là do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động. Cho rằng con số thực sự bị ảnh hưởng có thể lớn hơn nhiều, các chuyên gia cũng nhận định, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bởi khác với kinh tế, thị trường lao động không thể phục hồi nhanh mà luôn có độ trễ và chuyển dịch về cơ cấu lao động.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào cách nhìn nhận và kịch bản chống dịch của Việt Nam, đó là phải sống chung với dịch Covid-19. Điều này có nghĩa, thời gian tới, không chỉ các DN mà cả người lao động sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam mức độ nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh. DN lao đao, phá sản, còn công nhân thì mất việc. Giảm thu nhập khiến đời sống phần đông người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi phía sau họ còn là gia đình, nhiều hộ gia đình đã lâm cảnh chật vật, cơ hàn.

Đảm bảo an sinh xã hội là một việc làm rất quan trọng, Chính phủ đã đưa ra những phương án giải quyết để hỗ trợ kịp thời với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo đó, tới đây, sẽ có khoảng 13 triệu người lao động được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với khoảng 38.000 tỉ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với thời gian và thủ tục giải quyết được hứa hẹn là chỉ trong 45 ngày. Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ khẩn cấp chưa có tiền lệ này được xem như một chiếc phao cứu sinh, hỗ trợ người thất nghiệp tạm thời vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nói như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, triển khai gói hỗ trợ trong thời gian ngắn rất khó khăn, nhưng cái khó của người lao động, cái thiếu thốn, cái khổ của người lao động còn lớn hơn rất nhiều. Chúng ta phải lựa chọn ưu tiên cho người lao động trước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên cho người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO