Vá lỗ hổng trong lĩnh vực xuất bản

Minh Quân 12/06/2020 08:00

Sự phát triển của ngành xuất bản đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm văn hóa đọc. Nhưng bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Vá lỗ hổng trong lĩnh vực xuất bản

Tình trạng sách lậu, sách giả vẫn tràn lan trên thị trường và các kênh thương mại điện tử.

Cục Xuất bản, In và phát hành vừa có kết luận thanh tra tại NXB Thông tấn. Theo đó, đoàn thanh tra xác định NXB Thông tấn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động, cần được khắc phục.

Cụ thể, công tác điều hành của Giám đốc NXB chưa thật phù hợp với quy định của pháp luật về xuất bản. Trong tổng số 44 xuất bản phẩm được kiểm tra, Giám đốc NXB đã giao cho Phó Tổng biên tập Phùng Thị Mỹ trực tiếp chịu trách nhiệm nội dung 4/44 xuất bản là không thực hiện đúng quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng biên tập tại Khoản 2 Điều 18 Luật Xuất bản.

Ngoài ra, Giám đốc NXB đã ủy quyền và chấp nhận 9/35 hợp đồng liên kết xuất bản phẩm do chi nhánh NXB Thông tấn tại TP HCM đứng ra giao kết và đóng dấu của chi nhánh là không thực hiện đúng quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 18 Luật Xuất bản.

Điều đáng nói, về hoạt động xuất bản, mặc dù NXB Thông tấn được cơ quan chủ quản bảo đảm đầy đủ điều kiện hoạt động, đảm bảo lương cho lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên và có điều kiện rất thuận lợi trong bối cảnh nhiều nhà xuất bản khác phải tự chủ, nhưng tỷ lệ xuất bản phẩm tự xuất bản của NXB Thông tấn rất thấp, chiếm tỷ lệ 0,89% năm 2019. Nếu tính số xuất bản phẩm lần đầu thì chỉ có 1/449 xuất bản phẩm, chiếm tỷ lệ 0,22%.

Kết luận cũng nêu rõ, NXB chưa chủ động khai thác, đầu tư kinh phí mua bản quyền để xuất bản các tác phẩm, tài liệu có giá trị cao trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Hoạt động xuất bản của NXB Thông tấn phụ thuộc nhiều vào việc đặt hàng của cơ quan chủ quản, việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước và phụ thuộc chủ yếu vào đối tác liên kết.

Bên cạnh đó, theo kết luận, NXB Thông tấn còn nhiều sai sót trong công tác tổ chức biên tập bản thảo, soạn thảo, lưu giữ hồ sơ, tài liệu; Ghi sai thông tin về đối tác liên kết trên xuất bản phẩm thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong quản lý liên kết; phát hành xuất bản phẩm khi chưa nộp lưu chiểu; Chưa có biện pháp kiểm soát của đối tác liên kết in, liên kết phát hành xuất bản phẩm nên dẫn đến tình trạng đối tác liên kết đã không nộp bản in hoàn chỉnh của 100 xuất bản phẩm liên kết dạng lịch bàn, lịch tờ của năm 2019 để Nhà Xuất bản nộp lưu chiểu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

NXB Thông tấn cũng ký hợp đồng liên kết in 6 xuất bản phẩm với cơ sở in không có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 195/2013/NĐ-CP; Quảng cáo thực phẩm trên xuất bản phẩm… vi phạm Luật Quảng cáo.

Tuy nhiên, không chỉ là câu chuyện sai phạm ở NXB Thông tấn, nhiều năm qua mà “lỗ hổng” trong lĩnh vực xuất bản vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là vấn nạn sách lậu, sách giả. Mới đây, Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phải ra quyết định dừng hoạt động Hội chợ sách “Vietnam book fair tour 2020” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Nguyên nhân là do ngay sau khai mạc Hội chợ sách vào sáng 6/6, nhiều độc giả phản ánh về tình trạng xuất hiện hàng loạt đầu sách in lậu gắn logo của một nhà xuất bản ở TP HCM được bày bán tại Hội chợ sách này. Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở VHTT, Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên-Huế, phát hiện 175 cuốn sách nằm ngoài danh mục được Sở TTTT cấp phép bày bán tại Hội chợ sách. Ngoài ra, đơn vị tổ chức chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của một số đầu sách.

Tại Hội thảo đánh giá tình hình 7 năm thực hiện Luật Xuất bản khu vực phía Nam vừa được tổ chức tại TP HCM, công ty First News – Trí Việt cũng đã đưa ra dẫn chứng việc hàng trăm xuất bản phẩm được đơn vị sở hữu bản quyền đã bị in lậu với số lượng lớn, phát hành công khai tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc.

Thậm chí, diễn biến đáng “quan ngại” của tình trạng in lậu trong thời gian gần đây là các kênh thương mại điện tử vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Các kênh này có hình thức cho thuê chỗ để các chủ hàng tự do kinh doanh - kiểu như “thuê sạp chợ” - và chất lượng hàng hóa từ các nguồn khác nhau của các chủ hàng khác nhau đang gần như bị thả nổi.

Và thực tế là việc mua sách trên mạng rất khó phân biệt thật giả, vì chủ hàng dùng ảnh sách thật để quảng cáo bán sách, nhưng sách mang đến cho người mua lại là sách giả… Những việc này đã gây thiệt hại nặng nề về thương hiệu cũng như lợi ích kinh tế, hoạt động kinh doanh của First News.

First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn nhưng có tới 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức.

“Thiệt hại vật chất lên đến nhiều tỷ đồng, nhưng đối với chúng tôi, điều đau lòng hơn cả là cảm thấy những tâm huyết của mình đang bị lợi dụng để làm giàu bất chính, gây thiệt hại cho cả độc giả, tác giả và những người làm sách chân chính như công ty”- đại diện công ty First News bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vá lỗ hổng trong lĩnh vực xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO