Vaccine - bước tiến mới

Nam Hải 30/03/2021 16:29

Việt Nam vừa chính thức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đồng loạt tại Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, đánh dấu một bước ngoặt trong bối cảnh dịch bệnh đang hiện diện tại nhiều tỉnh, thành phố của cả nước.

Cùng với vaccine nhập khẩu, vắc xin trong nước đang nỗ lực sản xuất, mở ra cơ hội thêm một “vũ khí” ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trong toàn dân.

Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành (Hải Dương). Ảnh: Bộ Y tế.

Chính thức tiêm vaccine Covid-19

Lần đầu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm ngừa Covid-19 diện rộng bằng lô vắc xin AstraZeneca nhập khẩu, sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán đã về Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua. Theo đó, có 13 tỉnh, thành phố có dịch được ưu tiên tiêm đợt này, là Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Dương... “Thực hiện Nghị quyết 21 của Chính phủ về 11 nhóm đối tượng ưu tiên và địa bàn ưu tiên tiêm ngừa, đợt đầu tiên này sẽ ưu tiên cán bộ y tế tại 21 cơ sở có điều trị bệnh nhân Covid-19, là nơi nguy cơ lây nhiễm cao nhất… Cẩn trọng khi triển khai tiêm chủng, do vắc xin này rất mới vì thế chúng tôi đã phải đợi Hàn Quốc gửi giấy chứng nhận xuất xưởng, Việt Nam cũng đã tiến hành kiểm định chất lượng lại và đánh giá mức độ an toàn của vắc xin”, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo đó tại Hải Dương, Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành là hai điểm đầu tiên của tỉnh Hải Dương thực hiện tiêm vắc xin Covid-19. Những người được tiêm đợt đầu được lựa chọn gồm nhiều thành phần như cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, tổ “Covid cộng đồng”, lực lượng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong đợt tiêm đầu tiên, toàn bệnh viện sẽ có 420 nhân viên y tế được chích ngừa vắc xin Covid-19, trong đó chủ yếu là cán bộ y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân căn bệnh này tại cơ sở 2 và một số nhân viên khoa khám bệnh, làm nhiệm vụ sàng lọc bệnh nhân tại cơ sở 1. Phía ngành y tế Hà Nội, theo ông Khổng Minh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, cho biết: Hà Nội hết sức chủ động về nguồn vắc xin Covid-19. Ngày 19-2, thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tạo điều kiện cho thành phố tiếp cận nguồn Covid-19. Ông Tuấn cho biết, việc đề nghị tiếp cận sớm nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho công dân, bảo đảm tiêm đủ cho người dân Thủ đô khi đủ điều kiện trên 18 tuổi. Ngoài những trường hợp là công dân Thủ đô trên 18 tuổi, dự kiến thành phố cũng tiêm cho cả người dân vãng lai cư trú trên địa bàn thành phố.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế xác định có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt đầu tiên này với 44.175 người. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh là 1 trong 21 cơ sở y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 được ưu tiên tiêm vaccine đợt đầu. Theo thông tin ban đầu, có trên 900 nhân viên y tế của bệnh viện, là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ sẽ được tiêm vắc xin luân phiên đợt đầu.

Vaccine tiêm đợt đầu này gồm 117.600 liều vắc xin ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu sản xuất. Vaccineđược cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, có năm điểm nổi bật là hiệu quả miễn dịch cao; bảo đảm tính an toàn; công nghệ mới, ổn định; bảo quản dễ dàng và giá vaccine ưu đãi. Bộ Y tế thông báo tháng 3 này dự định có thêm một lô vắc xin trên 1,3 triệu liều về Việt Nam. Tháng 4-5 tới, lượng vaccine sẽ về dồi dào và người dân sẽ được tiêm chủng rộng rãi. Cũng theo Bộ Y tế, ngoài tiêm theo chương trình mở rộng, người dân có nhu cầu và điều kiện có thể tiêm dịch vụ vaccine ngừa Covid-19 ở những đơn vị uy tín.

Cho đến nay, Bộ Y tế dự kiến mua được 91 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, chưa kể 60 triệu liều đang đàm phán mua của Nga, với tổng số khoảng 150 triệu liều vaccine tiêm cho 75 triệu người. Nguồn vắc xin cung cấp cho Việt Nam trong thời gian tới từ Chương trình COVAX với 30 triệu liều, cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu và hiện đang hoàn tất các thủ tục. Nguồn vaccine của Pfizer hiện đang đàm phán, với khả năng hãng sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Sau khi vaccine về đến Việt Nam, Bộ Y tế sẽ họp với các chuyên gia quốc tế, đánh giá về các phản ứng không mong muốn, cũng như các vấn đề có thể gặp phải khi tiêm vaccine diện rộng. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế thống nhất nhận định không vaccine nào bảo đảm an toàn 100%, nhất là vaccine ngừa Covid-19 mới phát triển trong thời gian ngắn.

Sớm có vaccine Việt Nam

Cùng với vaccine nhập khẩu, bốn đơn vị trong nước đang “chạy đua” sản xuất vaccine Covid-19, mở ra cơ hội thêm một “vũ khí” ngăn chặn virus SARS-CoV-2 trong toàn dân. Theo Bộ Y tế, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ công nghệ lõi sản xuất vaccine, đó là nền tảng quan trọng để sẵn sàng cho sản xuất vaccine khi vi rút SARS-CoV-2 có các biến chủng mới. Nhà máy sản xuất vaccine tại Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế là một trong 14 nhà máy trên thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn sản xuất cung cấp vaccine cúm toàn cầu khi có đại dịch. Với dịch Covid-19, ngay cả khi mua được vắc xin từ nước ngoài, chúng ta vẫn đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng. Và không chỉ vaccine chống dịch Covid-19 mà còn các loại bệnh khác. Hiện, Việt Nam đã cung cấp 10/12 vắc xin trong tiêm chủng mở rộng với hàng triệu mũi tiêm an toàn mỗi năm.

TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC, đơn vị đang nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 “made in Việt Nam” cho biết: Vaccine Covivac chính thức được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một từ tháng 3, tại Hà Nội, với 120 người tình nguyện được tiêm thử nghiệm. Giai đoạn hai dự kiến từ tháng 7 năm nay, với 300 người tình nguyện tham gia và thêm điểm nghiên cứu tại Thái Bình. Các xét nghiệm, thử nghiệm mới nhất cho thấy Covivac có khả năng bảo vệ trước biến thể mới của SARS-CoV-2 ghi nhận tại Anh và Nam Phi. Công suất sản xuất hiện đạt sáu triệu liều, sẽ nâng lên 30 triệu liều vào cuối năm nay.

Nói thêm về hiệu quả của Covivac, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương, đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac trên người, cho biết, ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật (đánh giá tại Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam) cho thấy vaccine này có hiệu quả miễn dịch với chủng SARS-CoV-2 thông thường và hai chủng virus biến chủng (chủng Anh và Nam Phi). Hiện đây là các chủng ghi nhận nhiều bệnh nhân nên đã thử nghiệm trước với các chủng này, tiến tới sẽ thử thêm hiệu quả miễn dịch với các chủng khác. Thời gian qua, thử nghiệm vaccine Nanocovax với chủng vi rút biến chủng xuất hiện lần đầu tại Anh cũng đã cho thấy có hiệu quả miễn dịch.

Phòng, chống dịch Covid-19 thì vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Thực tế cho thấy, các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine đã có hiệu quả trong phòng ngừa vi-rút SARS-CoV-2. Bộ trưởng Y tế khẳng định: “Vaccine sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những liều vaccine nhập khẩu đầu tiên đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. Chúng tôi hướng đến cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021”.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, sau tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19 AstraZeneca thì 76% có hiệu quả miễn dịch, sau tiêm mũi 2 thì tỉ lệ này là 81%. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin…

Bà Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết, hiện chưa có bằng chứng về tuổi tối đa không có chỉ định tiêm vắc xin, có nghĩa là chỉ hoãn tiêm với nhóm đang bị bệnh cấp tính, bệnh mãn tính tiến triển, đã sử dụng kháng thể điều trị Covid-19 hoặc từng mắc bệnh Covid-19 và khỏi dưới 6 tháng, những đối tượng khác ngoài nhóm này thuộc nhóm được tiêm ngừa. Hiện có thông tin về một số trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vắc xin, theo bà Hồng, khoảng 10% người được tiêm có các phản ứng như bồn chồn, sốt, có thể sốt trên 38 độ, 10% khác có phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đỏ, đau vết tiêm, đây là tỉ lệ tương tự các vắc xin khác. Tuy nhiên chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc xin và các phản ứng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine - bước tiến mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO