Vaccine và cuộc chiến phía trước

Thế Tuấn 06/09/2020 08:29

Càng ngày, cuộc đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 càng nóng bỏng khi mà nhiều quốc gia tuyên bố đang tiến dần tới “thương mại hóa” nó. Nhưng, dẫu thế thì diễn biến của đại dịch vẫn rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Một cư dân thành phố Manaus, Brazil, bên phần mộ người thân qua đời vì Covid-19Ảnh: Reuters.
Một cư dân thành phố Manaus, Brazil, bên phần mộ người thân qua đời vì Covid-19. Ảnh: Reuters.

1. Vào ngày đầu tiên của tháng 9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được phát triển trong nước vào giữa năm 2021.

Ông Widodo cho biết, quá trình trên đã hoàn tất được 30-40%, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các thử nghiệm lâm sàng có thể được khởi động vào đầu năm 2021, trước khi bắt đầu sản xuất thương mại chỉ sau đó vài tháng. Được đặt tên theo màu quốc kỳ Indonesia, vaccine “Merah Putih” (Đỏ và Trắng) được một liên danh thuộc Bộ Nghiên cứu và Công nghệ do Viện Sinh học phân tử Eijkman đứng đầu, phát triển.Theo Giám đốc Viện Eijkman, ông Amin Soebandrio, loại vaccine này dự kiến sẽ đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu tiêm chủng trong nước.

Còn tại Mỹ, vaccine ngừa Covid-19 đang được xem như một “lá bài” trong chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump. Trong bài phát biểu tiếp nhận đề cử của đảng Công hòa mới đây (đêm 27/8), ông Trump cam kết đưa nền kinh tế Mỹ trở lại giống như trước dịch bệnh, với mức “thịnh vượng kỷ lục” và “hoàn toàn không còn thất nghiệp”. Mà như vậy thì rất cần vaccine đặc chủng, chí ít nó cũng là một liều thuốc ru ngủ số đông một cách cần thiết.

Ông Trump xuất hiện trên sân khấu diễn đàn tại khu South Lawn (bãi cỏ phía nam) của Nhà Trắng sau sự giới thiệu của cô Ivanka Trump, con gái ông, cũng là cố vấn cao cấp của Nhà Trắng. Sau vài lời dẫn ngắn gọn của bài phát biểu, ông Trump đi vào ngay vấn đề nóng nhất là đại dịch Covid-19, một thách thức mà theo ông mô tả là “kẻ thù mới không nhìn thấy” không chỉ nước Mỹ mà toàn thế giới đang phải chiến đấu.

“Chúng ta sẽ có những liệu pháp cứu chữa và sẽ làm ra được vaccine trước thời điểm cuối năm nay hoặc thậm chí còn sớm hơn”- ông Trump nói. Ngay lập tức những tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên. Người ta cho rằng, điều ông Trump nói có ý nghĩa gián tiếp khẳng định rằng trước khi nước Mỹ bước vào bầu cử Tổng thống (ngày 3/11) thì “ông Trump” đã tìm ra vaccine ngừa Covid-19.

Cũng không chỉ có ông Trump nóng lòng có trong tay vaccine ngừa Covid-19, mà nhiều nguyên thủ quốc gia khác cũng sốt suột.

Tuyên bố sẽ có vaccine Covid-19 sớm nhất chính là nước Nga, khi mà từ đầu tháng 8 Tổng thống Putin thông báo đã đăng ký loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik-V. Thông báo phát đi từ Điện Kremlin đã khiến các quốc gia đã đổ rất nhiều tiền vào cuộc đua này “phát sốt”. Không ít dị nghị đã được đưa ra, nhưng người Nga vẫn rất tự tin khi cho biết đã có hơn 20 quốc gia đặt 1 tỷ liều vaccine này.

Cùng thời gian, Viện Robert Koch (RKI) của Đức đã rút lại tuyên bố lạc quan về vaccine Covid-19., khi trước đó khẳng định một loại vaccine ngừa Covid-19 có thể được cung cấp vào đầu mùa thu này.

2. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới.

Tại Mỹ, giới quan sát cho rằng không chỉ người dân mà cả Tổng thống Donald Trump cũng đang vất vả vì con virus này. Người dân lo lắng vì mỗi sáng ra, tin đầu tiên lại là số người nhiễm SARS-CoV-2 và chết vì Covid-19. Còn ông Trump lại lo rằng nếu tình hình không sáng lên thì việc tái cử của ông sẽ gian nan hơn rất nhiều.

Đáng chú ý, sau khi hoành hành tại những thành phố lớn thì Covid-19 đã lan mạnh về các vùng nông thôn. Theo bác sĩ Deborah Birx- Điều phối viên đội chuyên trách về virus Corona của Nhà Trắng, thì dịch Covid-19 ở Mỹ đang lan rộng hơn bao giờ hết, từ thành thị đông người tới vùng nông thôn thưa thớt dân cư.

Bà Birx không quên nhấn mạnh rằng, nếu như virus Corona chủng mới “đánh phá” các thành phố thì có thể hiểu được phần nào nguyên nhân, nhưng khi nó tràn về nông thôn thì lại là vấn đề rất khác, khi mà hệ thống y tế không thể bằng khu vực đô thị và thêm nữa người ta đã mất cảnh giác quá lâu rồi.

Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạpNguồn: Reuters.
Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn: Reuters.

Trong khi chưa có vaccine hiệu quả ngừa Covid-19, Thomas M.File Jr- Chủ tịch Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19 là tin theo khoa học, có các biện pháp phòng ngừa và phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất có được. Ông File kêu gọi người Mỹ hãy đứng về phía khoa học và ủng hộ các chuyên gia y tế, trong đó có bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, được cho là xung đột về quan điểm chống dịch với Tổng thống Trump và Nhà Trắng.

Tương tự, bà Brix cho rằng, lúc này rất cần sự ủng hộ của người dân và cái bắt tay tin tưởng giữa các chính trị gia với giới chuyên môn, điều mà nước Mỹ dường như đang rất thiếu. Bà Brix cũng đưa ra dẫn chứng 4 cựu giám đốc CDC Mỹ gồm Tom Frieden, Jeffrey Koplan, David Satcher và Richard Besser đã từng lên tiếng tố cáo trong dịch Covid-19, khuyến cáo của CDC bị nhiều cơ quan và cả Nhà Trắng sửa, thay đổi trước khi được công bố.

“Họ khẳng định có rất nhiều chuyên gia đủ khả năng đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng hiện nay, song những lời khuyên đó đã bị thách thức bởi những đòn tấn công rẻ tiền mang tính phe phái, gây hoang mang cho người dân”, bà Brix nói.

Cách nước Mỹ không xa là Brazil, cũng đang khốn khổ vì Covid-19, khi số người tử vong đứng thứ hai thế giới, chỉ sau nước Mỹ.

Khi mà đại dịch chưa cướp đi sinh mạng của quá nhiều người Brazil, thì người ta vẫn thấy cảnh các ngân hàng tấp nập. Xe điện ngầm đông đúc. Xe bus đầy ắp người. Họ bày tỏ sự ủng hộ dành cho Tổng thống Jair Bolsonaro - người từng cổ xúy dân chúng hãy phớt lờ các lệnh giãn cách xã hội do các thị trưởng và thống đốc bang đưa ra.

Điều đó cho thấy cách phản ứng đầy mâu thuẫn và hỗn loạn ở Brazil trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế Nelson Teich đột ngột từ chức. Người tiền nhiệm của ông Teich là cựu Bộ trưởng Luiz Henrique Mandetta cũng bị sa thải chỉ vì phản đối các biện pháp đối phó với dịch bệnh của Tổng thống.

Dịch bệnh bùng phát dữ dội và lan rộng với tốc độ khủng khiếp đã nhanh chóng đẩy nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử. Đặc biệt, Covid-19 đã gây ra nhiều vấn đề xã hội đối với quốc gia này, khi mà những vùng ngoại ô nghèo của các đại đô thị hầu như không có cách gì chống cự lại với virus corona chủng mới do hệ thống y tế yếu ớt cũng như thu nhập của người dân quá ọp ẹp.

Giáo sư y khoa Tania Lago (Đại học Santa Casa ở Sao Paulo) cho rằng, có một sự mâu thuẫn giữa chính quyền và cộng đồng khoa học. Bà nói: “Điều làm tôi buồn là chúng ta đang và sẽ tiếp tục tước đi sinh mạng của rất nhiều người, những người vốn có thể được cứu sống”.

Còn theo viện nghiên cứu của Chính phủ về xu hướng chăm sóc sức khỏe Fiocruz, số người thiệt mạng trên thực tế tại Brazil có khả năng cao hơn con số được công bố rất nhiều. Trong đó có những người nghèo “không ai biết” sống tại các khu vực ngoại ô, trong những khu ổ chuột nghèo nàn.

Với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai sau Trung Quốc, với hơn 1 tỷ dân, tình hình cũng rất nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền Trung ương cũng như các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nhưng nhiều người vẫn cho rằng con số người lây nhiễm và chết cũng chỉ mang tính “trấn an” và “bí ẩn”. Lý lẽ được đưa ra là rất khó có thể thống kê được tình hình dịch tại nước này ở khu vực nông thôn, nơi mà đa số trong số họ không được chăm sóc y tế một cách đầy đủ, họ cũng ít có khả năng được xét nghiệm hoặc chẩn đoán.

Như vậy là, cùng với cuộc đua vaccine thì diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn rất nóng. Thật khó có thể biết bao giờ dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, và khi đó nhân loại đã mất đi bao nhiều sinh mạng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về sự gia tăng tốc độ lây lan của dịch Covid-19 trong những người độ tuổi từ 20 đến 40. Đa phần họ không có triệu chứng, không biết mình bị mắc bệnh và đang gây nguy hiểm cho nhóm những người có nguy cơ cao. Chuyên gia dịch tễ học của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết “chúng tôi đang tiếp nhận ngày càng nhiều người trẻ phải điều trị tích cực. Người trẻ đang chết dần vì virus này”. Còn Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus liên tục cảnh báo các nước nới lỏng các biện pháp giãn cách, phong tỏa rằng đó sẽ là điều “cực kỳ nguy hiểm” khi mà virus corona đang cho thấy có những biến thể mới và độc lực gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine và cuộc chiến phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO