Vai trò của Mặt trận trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc dưới 1.000 người

Hải Nhi 04/05/2017 18:22

Chiều 4/5, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người”.  Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị. 

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, lãnh đạo Ban Dân tộc của UBTƯ MTTQ Việt Nam, các chuyên gia văn hóa và dân tộc.

Phát huy vai trò chủ thể

5 dân tộc dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum. Do điều kiện sống còn khó khăn, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế.

Có dân tộc, ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống.

Thậm chí trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá.

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có cảnh báo về nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống của 5 dân tộc này. Các cơ quan quản lý Nhà nước và Mặt trận cũng đang tập trung các giải pháp, chính sách và dự án để hỗ trợ các dân tộc nói trên.

Ông Vũ Dương Châu, Trưởng Ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Dương Châu, Trưởng Ban Dân tộc, chủ nhiệm đề tài cho biết: Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách đối với đồng bào của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở các địa phương có 5 dân tộc nêu trên sinh sống.

Vì vậy việc nghiên cứu đề tài “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số dưới 1.000 người” là rất cần thiết, nhằm giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ đạo công tác xây dựng nông thôn mới ở các địa phương có 5 dân tộc có rất ít người sinh sống, phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Qua khảo sát thực tế, Mặt trận các cấp ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đã có kết quả. Tuy nhiên thực tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Tại Hội nghị, ông Châu nhấn mạnh việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 5 dân tộc ít người nói trên.

Theo ông Châu, không thể một tổ chức, cá nhân nào có thể làm thay vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc đó nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng đó. Vì thế, cùng với sự quan tâm và hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị -xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào các dân tộc ít người tự ý thức để giữ gìn, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình cùng với việc khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, hòa nhập được với cộng đồng các dân tộc khác trong vùng.

Quang cảnh Hội nghị.

Bảo tồn chọn lọc?

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đặt vấn đề: Chúng ta cần bảo tồn toàn bộ hay cần chọn lọc những gì cần phát huy. Ví dụ tiếng nói, chữ viết của cả 5 dân tộc này có cần bảo tồn hết hay không? Và muốn bảo tồn được phải có giải pháp gì. Chúng ta cần tìm ra nguyên nhân tại sao các nét văn hóa lại mai một.

Cũng theo TS Nhật, cần làm rõ hơn nội dung và vai trò Mặt trận các cấp, trong đó cán bộ Mặt trận đị phương cần phải làm gì? Nhất là địa phương có 5 dân tộc ít người nói trên.

PGS.TS Trần Hậu cho rằng, chúng ta nên phân biệt thực trạng văn hóa các dân tộc ít người và công tác bảo tồn phát triển văn hóa các tộc người và phân tích nguyên nhân của thực trạng công tác này.

Thứ hai vấn đề đặt ra hiện nay, theo PGS.TS Hậu là chúng ta phải giải quyết một cách cơ bản, lâu dài trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số…. Phải hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là gì? bản sắc văn hóa các dân tộc ít người là gì? vì lâu nay chưa ai đề cập.

Chúng ta không làm thay được việc duy trì, bảo tồn văn hóa của dân tộc, chủ thể phải chính là đồng bào. Nhà quản lý phải chỉ cho đồng bào bảo tồn cái gì, không nên bảo tồn cái gì? Những thực tế này không được làm rõ thì Mặt trận các cấp không tránh được lúng túng.

Phải phân biệt cho được Mặt trận các cấp làm gì? PGS.TS Trần Hậu lưu ý, với các dân tộc thiểu số, vai trò của những người có uy tín và đặc biệt quan trọng.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nhận định, đề tài có những nghiên cứu làm rõ hơn vai trò của Mặt trận trong công tác dân tộc, hay công tác Dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc thì phải làm gì, và mình cần tìm hiểu cái gì. Đề tài có khả năng đóng góp vào công tác thực tiễn Mặt trận rất quan trọng. Trong đó có công tác đặc thù mang tính đối tượng đó là công tác dân tộc và công tác tôn giáo.

Đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Ban chủ nhiệm đề tài, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Đây là đề tài có yêu cầu của Ban Thường trực, cũng là yêu cầu của Đảng và Nhà nước để chúng ta tìm hiểu sâu về giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc thiểu số dưới 1.000 người.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần làm rõ vai trò Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Mặt trận tổ quốc các cấp cần tổ chức các hoạt động, phong trào để người dân tộc, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nhận thức về Đảng, Chính quyền, Mặt trận sâu sắc hơn.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, cần có công trình cấp Nhà nước về dân tộc thiểu số dưới 1.000 người. Trong đó, Mặt trận kết hợp thêm với một số Bộ ngành có liên quan như Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, một số Bộ, ngành có liên quan để phát triển hướng nghiên cứu được đặt ra trong đề tài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của Mặt trận trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc dưới 1.000 người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO