Vai trò người dân trong giám sát

Hải Nhi 22/08/2017 09:15

Tại Bắc Giang, hiện 230 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có ban giám sát với hơn 2.000 thành viên. Bà Diêm Hồng Linh- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, việc huy động người dân tại nơi triển khai dự án giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm. Phía nhà thầu, đơn vị thi công cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Hiện tỉnh Bắc Giang có 230 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), trong đó 115 ban hoạt động tốt, 97 ban hoạt động khá, 18 ban hoạt động trung bình. Theo số liệu thống kê, từ 2013-2016, Ban GSĐTCCĐ đã giám sát được 5.450 cuộc, qua giám sát đã phát hiện 348 vụ việc sai phạm; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý 344 vụ việc; thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 300 triệu đồng và nhiều hiện vật khác.

Từ việc giám sát của các Ban GSĐTCCĐ, tháng 8/2016, sau hơn 10 ngày đưa vào sử dụng, con đường thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có nhiều đoạn bị bong tróc. Ban giám sát của xã báo cáo lãnh đạo địa phương mời ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra, yêu cầu nhà thầu thi công lại rồi mới nghiệm thu.

Tại công trình Nhà văn hoá thôn Núi, Ban giám sát phát hiện nhiều bộ cửa gỗ bị cong, vênh nên cương quyết trả lại chủ xưởng để sửa chữa...Tại huyện Yên Dũng, Tân Yên, các thành viên ban giám sát cộng đồng đã phát hiện một số nhà thầu sử dụng vật liệu xây dựng không bảo đảm chất lượng, thi công chưa đúng thiết kế công trình hạ tầng ở cơ sở. Hầu hết các vụ việc đều được kiến nghị giải quyết đúng luật, kịp thời.

Bà Linh cho rằng hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Việc huy động người dân tại nơi triển khai dự án giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm. Phía nhà thầu, đơn vị thi công cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, ở Bắc Giang, những huyện vùng sâu vùng xa, vai trò của ban giám sát chưa được phát huy. Theo ông Vi Văn Tham, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn, Ban chủ yếu thực hiện ở những công trình do cộng đồng đóng góp, quy mô nhỏ, ít hạng mục. Còn các dự án lớn do tỉnh, T.Ư hay tổ chức nước ngoài đầu tư thì việc tiếp cận còn hạn chế.

Bên cạnh đó, ở một số công trình, dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công không công khai thông tin theo đúng Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân trong năm 2016 Bắc Giang có 33 công trình không được giám sát tại cộng đồng. Thêm một hạn chế nữa là quy định kinh phí dành cho công tác giám sát đầu tư tại cộng đồng mỗi năm là 5 triệu đồng nhưng theo Ủy ban MTTQ tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh có 32 ban giám sát chưa được cấp kinh phí.

Vẫn theo bà Linh, thời gian tới MTTQ các huyện, thành phố phối hợp với UBND cùng cấp tăng cường công tác tập huấn, nghiệp vụ GSĐTCCĐ, quan tâm tạo điều kiện bố trí kinh phí đúng, đủ theo quy định. MTTQ cấp xã cần hướng dẫn Ban GSĐTCCĐ xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban GSĐTCCĐ đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giám sát; định kỳ biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích.

Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát- theo bà Linh- cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn với MTTQ trong quá trình triển khai, công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn ban giám sát xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc giám sát, theo dõi, xử lý những vấn đề được người dân phản ánh, kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò người dân trong giám sát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO