Vẫn chằng chịt giấy phép con

T.Hằng 08/07/2017 08:15

Giấy phép kinh doanh ngày càng tinh vi hơn, phức tạp hơn. Dù nhiều loại giấy phép con đã được loại bỏ nhưng các quy định kiểm soát lại ra đời. Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường xem chừng như vẫn “nóng trên lạnh dưới”.

Cuộc chiến không hồi kết

Nhìn qua thì giảm nhưng nhìn kỹ thì không giảm, các điều kiện kinh doanh mà nhiều người đang gọi là “giấy phép con” vẫn đang tiếp tục sinh sôi, và biến tướng.

Cho dù công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh liên tiếp được “ nói đi nói lại”. Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, trong Luật Đầu tư đang có khoảng 600 điều kiện kinh doanh “con”.

Trung bình 1 điều kiện kinh doanh “mẹ” có 25 điều kiện kinh doanh “con”. Mỗi “con”, trung bình có thêm 5-6 điều kiện kinh doanh “cháu”. Các điều kiện kinh doanh đang hành doanh nghiệp.

Và trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng suốt ngày than phiền về giấy phép con. Giám đốc, Công ty cổ phần dự án công nghệ Nhật Hải, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, DN bà đưa ra thị trường sản phẩm bột nghệ cucurmin.

Khi đăng ký kinh doanh, Bộ Y tế yêu cầu phải đăng ký tờ rơi quảng cáo nhưng nội dung tờ rơi hạn chế quảng cáo, sản phẩm có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa.

Vị giám đốc này cho rằng, xưa nay các doanh nghiệp cũng chung lĩnh vực vẫn được phép quảng cáo qua các tờ rơi hay các phương tiện truyền thông đại chúng về những nội dung đó nay tại sao lại hạn chế.

Cộng đồng DN than rằng, chi phí gia nhập thị trường hiện nay vẫn là một gánh nặng. Các điều kiện kinh doanh nhiều khiến cho DN tốn rất nhiều chi phí.

Một thống kê của Ciem cũng cho biết, riêng mảng công thương hiện còn khoảng 700 lĩnh vực quy định điều kiện kinh doanh, lĩnh vực giao thông có 376, tài chính 490, y tế 327…

Chính sự chẳng chịt của điều kiện kinh doanh khiến cho nhiều DN cảm thấy mệt mỏi, muốn kinh doanh cũng không biết phải lo đủ những loại giấy tờ và thủ tục gì.

Trong khi đó, Chính phủ đang khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN thì chính điều kiện kinh doanh cũng khiến cho hộ kinh doanh không muốn lớn.

Ảnh minh họa.

Mong muốn của doanh nghiệp

Ông Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico thì cho rằng, không những chỉ chịu các điều kiện kinh doanh chính thức, điều kiện kinh doanh trá hình đang phát tán đè DN. Cụ thể điều kiện kinh doanh trá hình là: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hành chính và quy hoạch.

Nhưng có một câu hỏi lại tiếp tục được đặt ra: Trong khi Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục; Các bộ, ngành cũng đưa ra nhiều chương trình hành động để quyết tâm cải cách, nhiều chương trình hội nghị, hội thảo được tổ chức, tham vấn lấy ý kiến DN nhằm loại bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý nhưng điều kiện kinh doanh vẫn cứ chằng chịt, mê hồn trận?

Không quá khó để trả lời rằng, khi đưa ra càng nhiều giấy phép con, nhiều điều kiện kinh doanh, các DN càng phải mất tiền để đáp ứng. Mấu chốt của bài toán là câu chuyện lợi ích nhóm. Chưa kể nhiều điều kiện kinh doanh cũng như công cụ để bảo hộ cho DN lớn, loại bỏ DN nhỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cho rằng, nhiều cơ quan quản lý đặt ra những điều kiện kinh doanh để dễ dàng cho công tác của mình chứ không phải vì mục đích an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khi DN mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật. Tuy nhiên việc ban hành các điều kiện kinh doanh mang tính loại trừ đã tạo ra không ít rào cản cho sự phát triển của các DN, đặc biệt là các DNNVV.

Các DN kiến nghị cơ quan chức năng, những người làm chính sách xem xét, đánh giá lại toàn bộ những điều kiện kinh doanh đã ban hành, đồng thời có cơ chế kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân ban hành các điều kiện kinh doanh vô lý, gây thiệt hại cho DN.

Giới chuyên gia cũng cho biết, các điều kiện kinh doanh vô lý sẽ kéo theo hệ quả chi phí và thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp tăng cao; tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Những rào cản về điều kiện kinh doanh không chỉ thiếu tính khuyến khích mà còn thui chột sáng tạo, loại bỏ những cách làm mới và dẫn tới sự méo mó và sai lệch trong phân bổ nguồn lực.

Cùng với đó là quan hệ cung - cầu thị trường trở nên méo mó, khó cân bằng vì thiếu sức cạnh tranh, thậm chí có xu hướng nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn chằng chịt giấy phép con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO