Văn chương và lòng hiếu sinh

Nguyễn Thanh Tâm 03/05/2020 14:30

Những năm gần đây, cái tên Nguyễn Văn Học được biết đến với nhiềutác phẩm viết về thân phận con người và cảnh quan cuộc sống. Trong những tác phẩm của anh, nổi lên mảng đề tài về môi trường sinh thái (Mình ơi anh cưới dòng sông nhé, Nhạc cây, Linh điểu…).

Văn chương và lòng hiếu sinh

Chúng ta không ngạc nhiên khi văn học nghệ thuật và các ngành khoa học dần chú ý nhiều hơn đến những tiếng nói từ tự nhiên, diễn giải tự nhiên và tôn trọng tự nhiên. Bởi lẽ, tự nhiên chính là môi trường sống, là ngôi nhà chung của tất thảy. Với những gì đang diễn ra, thực tại cảnh báo những tác động theo hướng tiêu cực từ sự phát triển của xã hội loài người đến ngôi nhà chung của thế giới. Văn chương từ trong bản thể của mình cất lời về tình trạng ấy, để tham dự và hòa giải, để vẫy gọi và kiến tạo thế giới cộng sinh hòa hợp. Xuất phát từ lòng hiếu sinh, xem văn chương như là một cách để thức tỉnh con người, Nguyễn Văn Học có chủ ý xây dựng một tiểu thuyết về sinh thái dựa trên cuộc đối đầu giữa loài chim cùng những người bảo vệ tự nhiên với những thế lực đang tâm tàn phá, triệt hạ, hủy diệt các loài dã điểu. Có khá nhiều luận đề liên quan đến môi trường được Nguyễn Văn Học xây dựng, như là những trụ cột của diễn giải trong tiểu thuyết "Linh điểu": đời sống tự nhiên của các loài dã điểu; sự tàn sát của con người đối với tự nhiên; hậu quả của việc môi trường sống bị đầu độc đến hình hài, thân phận con người; ý thức bảo vệ sinh thái; sự tuyệt vọng (có cánh mà không bay được - hình tượng Diệp Vân). Các trụ cột này giống như những vệ tinh xoay quanh hạt nhân là cuộc đời của Diệp Vân và đời sống luôn bị đe dọa của loài cò trong khu vườn tự nhiên.

Hãy nhìn cách con người tiếp cận loài vật để có cách tiếp cận và đánh giá đối với con người. Những mục đích giải trí, thương mại (ẩm thực, du lịch, buôn bán) dựa trên khả năng huấn luyện hay thói quen săn bắt, tàn sát động vật của con người sự thực lại ẩn ngầm một lời cảnh báo về nhân tính và các nguy cơ hiểm họa. Sự thực là, ngay cả các loài thú trong vườn bách thú, những con thú cưng được chăm bẵm chiều chuộng tại nhà, những con vật nhảy nhót làm trò trong rạp xiếc… không phải là tự nhiên. Đó là một sự phóng chiếu tâm tính, thói quen, sở thích, nhu cầu của con người thông qua loài vật. Đến khi nào một con người thấy mình lạc lõng trong vườn thú và các con vật đang quan sát mình, khi ấy anh ta mới thấu hiểu đời sống vườn thú. Đến khi nào con người cảm thấy chỉ có thể chiêm ngưỡng các loài động vật từ trong bảo tàng anh ta mới thấm thía sự cô đơn, vắng lặng của xung quanh? Con người sẽ mất đi quy chiếu về mình khi không còn những loài vật khác. Diệp Vân bị xua đuổi, bị đe dọa; các loài dã điểu đang từng ngày bị rình rập, bị săn bắn làm mồi nhậu cho các quán đặc sản; không gian tự nhiên bị tàn phá; những cánh đồng, dòng sông hay lòng đất đang bị bức tử, đó là dấu hiệu khởi đầu cho một tương lai u ám của loài người. Dường như, là một sự bất lực, khi tiểu thuyết của Nguyễn Văn Học đưa những lực lượng bảo vệ tự nhiên vào thế yếu. Ở phía kia, những kẻ mang dã tâm hủy hoại môi trường, tàn sát muôn thú lại dữ dằn, táo tợn hơn. Đã có người ngã xuống vì không gian sinh tồn của loài cò (bà ngoại của Diệp Vân), những con người sinh ra dị dạng, hỏa hoạn bùng lên khốc liệt, sự hóa thân của Diệp Vân… có thể ngăn lại những âm mưu tàn hủy? Mọi thứ cho đến cuối cùng vẫn như một niềm hi vọng.

Một câu hỏi được đặt ra ở cuối tiểu thuyết: “… một mai không còn loài chim nào trên trái đất, con người sẽ ra sao?”. Câu hỏi ấy có thể mở rộng ra, nếu một mai không còn loài vật, tự nhiên bị tàn phá hoàn toàn, con người sẽ ra sao? Tương lai mang hình hài tận thế được gợi lên từ tiếng kêu cứu của chim muông, vạn vật, của những cánh rừng, bầu trời, dòng sông và biển cả. Minh triết của tự nhiên là minh triết của sự sống. Bởi vậy, cứu lấy tự nhiên là cứu lấy sự sống. "Linh điểu" kết thúc bằng giấc mơ của chim cu gáy về một thế giới được cứu rỗi, nơi muôn loài sống hòa hợp với nhau (Khải huyền). Trong giấc mơ, Diệp Vân tung đôi cánh trắng tinh tuyền, hót như loài chim rộn rã. Hình tượng ấy đã kết tinh bản chất của sự gắn kết con người với tự nhiên, vốn đã từng có từ thơ ấu loài người, nhưng dần biến mất khi con người rời bỏ ấu thơ của mình.

Xuất phát từ lòng hiếu sinh, từ nỗi ám ảnh thường trực về tự nhiên đang bị hủy hoại, "Linh điểu" là một cuốn tiểu thuyết hướng sự chú ý vào vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn các loài dã điểu. Tính luận đề của tiểu thuyết như thế là khá rõ. Kết thúc trong một giấc mơ có phần không tưởng, "Linh điểu" giữ lại nguyên vẹn lời chất vấn với chúng ta về cung cách ứng xử và tiếp cận với tự nhiên. Là một thành viên của tự nhiên, con người cần phải xem trách nhiệm của mình với tự nhiên như một “hành vi đạo đức” (Richard Keridge). Để có thể thực hiện trách nhiệm đó, để tránh rơi vào những mơ hồ hoặc ảo tưởng về sinh thái, điều căn bản nhất chính là phát huy đức hiếu sinh ở mỗi con người. "Linh điểu" của Nguyễn Văn Học, trong ý nghĩa đó, là một lời vẫy gọi xây dựng cộng đồng hiếu sinh, vì một thế giới hài hòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương và lòng hiếu sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO