Vẫn còn doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ

17/10/2022 07:00

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021. Năm 2021 có 138/673 doanh nghiệp nhà nước lỗ lũy kế với số tiền 50.125 tỷ đồng

Theo báo cáo Chính phủ, tính đến hết năm 2021 có 673 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong đó 476 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 197 DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Báo cáo cho thấy tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 của các DNNN so với năm 2020 tương đối khả quan. Cụ thể, tổng tài sản của các DNNN là 3.648.006 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2020. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 33% tổng tài sản. Trong đó khối các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 3.353.089 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các DNNN.

Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1.664.837 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2020. Trong đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.508.768 tỷ đồng và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 156.069 tỷ đồng.

Trong năm 2021 DNNN có tổng doanh thu đạt 2.043.534 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ - con là 1.894.769 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2020, chiếm 93% tổng doanh thu của các DNNN.

Lãi phát sinh trước thuế đạt 198.673 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Trong đó, khối các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con là 184.647 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 93% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DNNN.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty, Công ty mẹ có lỗ phát sinh lớn như Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh lỗ phát sinh 771 tỷ đồng; TCT Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh 518 tỷ đồng; TCT Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 488 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỷ đồng;...

Tổng nợ phải trả của DNNN tính đến hết năm 2021 là 1.865.839 tỷ đồng, giảm 0,43% so với năm 2020. Tuy nhiên, một số Tập đoàn, Tổng công ty có số nợ phải thu khó đòi lớn;…

Một trong những nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả của một số DNNN được xác định là do cơ chế quản trị chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Điều này dẫn đến các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, DNNN tuy nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, nhưng không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, tăng trưởng xanh, công nghiệp công nghệ 4.0...

Theo T.Hằng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn còn doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO