Văn hóa hồi sinh

Phạm Sỹ 25/02/2022 06:10

Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, cùng với nhiều ngành nghề khác, ngành văn hóa đã có những dấu hiệu hoạt động tích cực. Đó là sự mở cửa trở lại của các cơ sở tôn giáo, di tích và hàng loạt lĩnh vực khác trong đời sống văn hóa.

Du khách tham quan chùa Hương.

Tín hiệu khả quan

Vừa qua, với chủ trương thích ứng linh hoạt, nhiều điểm di tích, điểm tâm linh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mở cửa để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Đây được xem như cú hích, sự trở lại của văn hóa sau một thời gian dài đóng cửa.

Ngày 16/2, chùa Hương đã chính thức mở cửa đón khách sau thời gian dài tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước đó 3 ngày, UBND huyện Mỹ Đức cho mở cửa thí điểm và đã đón khoảng 5.000 lượt du khách đến với chùa Hương. Mặc dù lượng du khách có giảm so với mọi năm nhưng đây cũng là một tín hiệu khả quan.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đến với các di tích, địa điểm tâm linh là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của nhân dân. Dịch bệnh Covid-19 cùng với thời điểm đầu năm mới càng khiến người dân mong muốn đến các địa điểm tâm linh này để cầu mong một khởi đầu an lành, tốt đẹp đến với bản thân và gia đình, từ đó củng cố niềm tin, có thêm động lực, quyết tâm trong cuộc sống.

“Đây cũng là cơ hội cho các di tích, các địa phương phục hồi và phát triển. Du khách đến với các di tích không chỉ giúp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó, mà còn giúp cho các hoạt động văn hóa trở nên sôi động hơn, giúp cộng đồng địa phương tự hào hơn về di sản văn hóa của mình, từ đó có thêm quyết tâm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng như các sinh hoạt văn hóa. Đó là điều kiện tuyệt vời để chúng ta quan tâm nhiều hơn đến văn hóa và là cơ hội để văn hóa phát triển” - ông Sơn chia sẻ.

Với việc quyết định cho rạp chiếu phim tại Hà Nội được mở cửa trở lại. Những ngày qua, hình ảnh tấp nập dòng người đổ tới rạp để mua vé đã đánh tan không khí ảm đạm sau một thời gian dài “cửa đóng then cài”. Qua đó, đã có những kỳ vọng về sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của thị trường phim Việt sau những tháng ngày “đau thương” do đại dịch.

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực khác của ngành văn hóa cũng đã và đang tái khởi động để trở lại mạnh mẽ trong tình hình mới với phương châm thích ứng linh hoạt…

Ví dụ như hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Với việc phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Đây được coi như bước “chạy đà” ấn tượng cho sự khởi đầu trong tình hình mới.

Các điểm di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chiến lược phát triển bền vững

Những tín hiệu khả quan mà ngành văn hóa mang lại trong những ngày đầu thích ứng tình hình mới được xem là “cú hích” lớn cho sự phát triển văn hóa du lịch. Song sẽ còn nhiều điều cần phải tính đến về sự thích nghi bền vững ở thời điểm hậu Covid-19.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trước mắt, chúng ta cần có sự thay đổi tư duy quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa trong giai đoạn sắp tới. Cần đặt yếu tố an toàn trong mọi khâu, mọi giai đoạn tổ chức hoạt động văn hóa.

Tổ chức bất kỳ một hoạt động gì từ một buổi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, xem phim, đến với các di tích, bảo tàng, thư viện,... cần phải đặt an toàn của bản thân, cộng đồng lên như một tiêu chuẩn đầu tiên.

Sau đó, chúng ta cũng cần tính toán nhiều hơn đến chuyển đổi số, hình thành văn hóa số thích ứng với bối cảnh công nghệ số không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là một giải pháp dài hạn cho sự phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để phát huy sức mạnh kinh tế của văn hóa, hình thành sức mạnh tổng hợp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững cũng cần được triển khai thành những chương trình, dự án khả thi.

Phục hồi văn hóa sau đại dịch sẽ là động lực, tác nhân quan trọng để tạo sức mạnh lan tỏa sang các lĩnh vực khác, giúp chúng ta thực hiện giấc mơ lớn của dân tộc là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhiều chuyên gia văn hóa chia sẻ: Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch, chúng ta đã có một số bài học kinh nghiệm nhất định. Thích ứng linh hoạt chính là một trong những kinh nghiệm đáng quý nhất để chúng ta đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Thích ứng linh hoạt giúp chúng ta vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội, và đặc biệt hơn là tạo điểm tựa tinh thần, tâm lý vững chắc để cả đất nước dần bắt tay vào phục hồi sau đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa hồi sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO