Văn hóa kinh doanh: Xử lý nghiêm hành vi lệch chuẩn

Phạm Sỹ (thực hiện) 20/12/2022 06:41

Đối với những hành vi hành hung, chửi bới khách hàng diễn ra trong thời gian qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

PV: Thưa ông, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip, ghi lại cảnh một cô gái bị hành hung tại chợ Nhà Xanh (Hà Nội). Dư luận bất bình trước hành động của người bán hàng. Ở góc độ văn hóa, ông nhận định gì về vụ việc này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thứ nhất, thời gian vừa qua có khá nhiều hiện tượng bạo lực, lệch chuẩn diễn ra trong xã hội. Đây là những dấu hiệu đáng báo động cho thấy sự xuống cấp của đạo đức, của môi trường văn hóa, ảnh hưởng đến hành vi của con người. Thiếu những giá trị đạo đức định hướng, hành vi bạo lực của con người dễ xảy ra hơn. Đó có thể là vụ việc hành hung ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội hay bất cứ một nơi nào khác. Đó cũng chính là lý do để chúng ta cần bắt tay ngay vào việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để định hướng hành vi cho mọi người.

Thứ hai, việc dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng mạng lên tiếng phản đối những hành vi bạo lực, lệch chuẩn là những tín hiệu tích cực, thể hiện rằng những nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa, trong đó có môi trường mạng, đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Dư luận xã hội sẽ là kênh điều chỉnh cho hành vi của mỗi cá nhân.

Chợ Nhà Xanh (Hà Nội) - Nơi xảy ra vụ hành hung khách hàng khiến dư luận bức xúc.

Có ý kiến cho rằng cần có bộ quy tắc ứng xử văn minh, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết và xử phạt nghiêm nếu để xảy ra xích mích, chèn ép, hành hung khách hàng… ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đây là một ý kiến đáng để suy nghĩ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, bản chất của bộ quy tắc ứng xử là những lời khuyên những gì nên làm/không nên làm, được phép làm/không được phép làm mà ít khi có tính chế tài. Chế tài cho các ứng xử nằm ở quy định pháp luật. Vì thế, điều quan trọng vẫn là nhận thức của các bên liên quan, từ đó hình thành nên những hành vi chuẩn mực, dư luận xã hội ủng hộ những quy tắc ứng xử ấy. Từ những hướng dẫn hành vi ấy sẽ biến thành đạo đức doanh nhân. Chỉ khi đó, chúng ta mới tạo nên một môi trường văn hóa, đạo đức kinh doanh lành mạnh.

Việc hành hung, đối xử thô bạo của chủ hàng với khách hàng không phải là tình trạng hiếm gặp, theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn những hành vi, ứng xử tương tự ở nơi công cộng?

- Chúng ta cần tìm hiểu bản chất của sự việc để có giải pháp tổng thể. Thay vì quy kết cho lỗi tâm lý cá nhân, chúng ta cần thấy những hành vi, ứng xử như thế không phù hợp nơi công cộng. Theo tôi, có một số nguyên nhân, như tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường hình thành nên tính ích kỷ, đề cao lợi ích vật chất của con người; quá trình hội nhập quốc tế khiến một số hiện tượng văn hóa ngoại lai, không phù hợp tràn vào, ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống của một số người, hay tác động tiêu cực của Internet, nhất là mạng xã hội...

Vì vậy, để xử lý hiện tượng trên, chúng ta cũng cần có những giải pháp tổng thể như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những giá trị văn hóa, chuẩn mực con người, hoàn thiện chính sách pháp luật để tạo hành lang pháp lý, xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi lệch chuẩn; hình thành và xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam để tạo ra định hướng chung cho xã hội, cũng như lan tỏa những thông điệp tốt đẹp về những tấm gương người tốt, việc tốt, lên án những hiện tượng tiêu cực... Làm được như vậy, tôi tin rằng, chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn những hành động đẹp trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa kinh doanh: Xử lý nghiêm hành vi lệch chuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO