20 năm, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Bài 3: Những không gian bị băm nát

Cẩm Anh (thực hiện) 13/07/2019 08:00

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội trả lời khá thẳng thắn về câu chuyện quy hoạch và kiến trúc Hà Nội những năm qua.

20 năm, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Bài 3: Những không gian bị băm nát

Khu đô thị Linh Đàm với những tòa nhà cao tầng dày đặc.

PV: Thưa ông, đứng ở góc độ chuyên môn của một kiến trúc sư, ông thấy trong vòng mấy chục năm qua, nhìn lại Hà Nội như hình hài hôm nay, điều đáng tiếc nhất của Hà Nội là gì?

KTS Trần Huy Ánh: Điều đáng tiếc nhất là sự mất cân bằng đất và nước Hà Nội. Sự mất cân bằng này kéo theo sự biến mất không gian xanh, bán ngập bao quanh Hà Nội, không gian mặt nước sạch gắn liền với không gian xanh trong nội đô và ngoài thành phố.

Một quá trình đô thị hóa tự phát hoặc bị dẫn dắt bởi các tập đoàn bất động sản đã làm tầm thường hóa cảnh quan kiến trúc Hà Nội.

Trong sự phát triển ồ ạt của các dự án chung cư cao tầng, không gian Hà Nội có được tuân thủ theo nguyên tắc quy hoạch nào không, thưa ông?

- Không theo một kịch bản nào, hầu hết các dự án đều bị chi phối bởi nhà đầu tư. Có thể lấy nhiều ví dụ về việc này, Các nhà quản lý kiến trúc quy hoạch của Hà Nội hay Bộ Xây dựng và có thể kể thêm nữa là ngành Tài nguyên - Môi trường (quản lý đất đai và môi trường sinh thái đô thị), có lý luận gì, cao kiến gì khi tham mưu cho phép xây dựng các khối tích khổng lồ tại đây.

Chúng ta đi giữa Hà Nội bây giờ luôn có cảm giác là những khối bê tông nhồi vào đang làm hỏng những không gian rất thoáng đãng ngày xưa. Mà một trong những chỗ tiếc nhất là tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, khu vực xung quanh hồ Tây vốn quy hoạch với mật độ cây xanh rất lớn, với công viên Bách Thảo, mà giờ cũng bị nhồi nhiều dự án chung cư cao tầng. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Có hai hệ quy chiếu khi tiếp cận vấn đề này: Hệ quy chiếu duy mỹ lại đứng ở phía cộng đồng xã hội thì thấy chúng ta đã mất hết cả rồi như câu hỏi đã đặt ra.

Hệ quy chiếu thứ hai là lý tài (có nghĩa là lấy lợi ích tiền bạc làm lý lẽ) và đứng ở lợi ích của những nhà đầu tư tư nhân, mua đất công giá rẻ, xây nhà cao tầng thoải mái, diện tích bán giá cao với khối lượng lớn thì những dự án này có hiệu suất sinh lời tối đa.

20 năm, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Bài 3: Những không gian bị băm nát - 1

KTS Trần Huy Ánh.

Nói đến các khu đô thị, chúng ta từng có một khu Linh Đàm đầu tiên, kiểu mẫu, giờ thì nó bị tan nát về mật độ nhà cao tầng rồi. Có lẽ ở ta xưa nay chưa bao giờ có ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai về quy hoạch không gian cả. Mà đã đến lúc phải truy cứu trách nhiệm cá nhân làm cho thành phố xấu đi?

- Tôi đã nghe thấy lời tâm sự của một thầy giáo dạy Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Xây dựng: “Suốt năm rao giảng cho sinh viên về khoảng cách tối thiểu giữa các toà nhà, mình luôn lấy ví dụ các toà nhà mới mọc những năm qua ở khu Linh Đàm vi phạm các quy định về vấn đề này và cũng nói ông chủ của nó rất đáng phải truy cứu trách nhiệm về tội phá vỡ quy hoạch”. Giới chuyên môn thì hồi hộp xem diễn biến thế nào. Nếu nhận nhà đầu đầu tư sai lại được các cấp quản lý dung túng cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, thì thầy trò sẽ tiếp tục dạy nhau những cái gì thuộc về khoa học, về lẽ phải, về sự công bằng xã hội. Nếu xử hòa cả làng thì thầy trò có khi phải nghiên cứu lại hệ quy chuẩn xây dựng mới với tiêu chí muốn làm gì thì làm.

Nhìn lại cho đến giờ ông thấy đâu là những điểm sáng về không gian đô thị cần được nhân rộng?

- Trong muôn sự tâm tư thì cũng có vài cái đáng vui: đó là giữa phố cổ chật chội có phố đi bộ thảnh thơi quanh Hồ Gươm của quận Hoàn Kiếm. Ở đó chính quyền còn chắt chiu dành lại từng mẩu vỉa hè làm chỗ chơi cho người già, con trẻ trên phố Phùng Hưng, và đang cố gắng lắm để mở rộng không gian đi bộ an toàn trong phố, đấu tranh vất vả để có miếng đất không nhỏ giữa phố xây trường học nhà trẻ… Những việc ấy nên nhân rộng. Tiện thể cũng cần nêu tấm gương quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, huyện Đông Anh cũng cố gắng lắm làm sân chơi trong các khu dân cư và cũng xây những ngôi trường mới khang trang trên đất nhà máy rượu, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, thôi thì cũng an ủi, cho con trẻ ở giữa Thủ đô thoát nỗi cơ cực cái chỗ học hành. Vậy mới thấy: khó khăn mấy nhưng các cấp chính quyền thực sự quyết tâm, quan tâm đến nâng cao chất lượng sống cho bà con thì vẫn không thiếu gì cách. Hà Nội ta vẫn còn nhiều tiềm năng sáng tạo và không gian sáng tạo. Hy vọng đốm lửa nhỏ này sẽ thắp lên niềm hy vọng cho Hà Nội trong những năm tới!

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 năm, Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Bài 3: Những không gian bị băm nát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO