60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Nàng tiên thức giấc

Tuyết Hoa - Minh Quân 02/10/2019 08:00

Hướng tới mốc kỷ niệm 60 năm thành lập, chỉ trong vòng hơn một năm qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) giống như một nàng tiên đã ngủ quá lâu đột nhiên vươn mình thức dậy, với nhiều hoạt động mang tính đột phá, tiếp cận rất gần tới công chúng yêu mến nghệ thuật hàn lâm.

60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Nàng tiên thức giấc

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang nỗ lực để đưa những tác phẩm kinh điển đến gần với công chúng.

“Hiện tượng” VNOB

Năm 2018 trôi qua với hàng loạt thành công của VNOB trên sân khấu trong nước và cả quốc tế. Từ những chương trình như “Bản giao hưởng mùa Hạ” dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật- Kotaro Kimura và hơn 60 ca sĩ hợp xướng đến từ Nhật Bản; “Giai điệu mùa thu” với nhạc trưởng Lê Phi Phi; chương trình múa đương đại “Bolero and Suite en Blanc’ với sự góp mặt của biên đạo múa Lê Ngọc Văn; vở nhạc kịch “Maria de Buenos Aires” và kết thúc mùa diễn với vở ballet “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” phiên bản Việt, VNOB được biết đến như một “hiện tượng”. Không chỉ dừng lại ở các chương trình trong nước, VNOB còn góp phần quảng bá nghệ thuật Việt ra nước ngoài thông qua các chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh - Việt tại London, Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Nhật Bản…

Tiếp bước sang năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, VNOB mang đến một luồng gió mới cho khán giả bằng chương trình mở đầu mùa diễn mang tên “Dạ tiệc âm nhạc - Around the world”. Chương trình đã tạo nên tiếng vang lớn trong công chúng yêu nhạc, giới phê bình và báo chí.

Tất nhiên, để có được sự đột phá này, không thể không nói đến sự thay đổi cơ bản về mặt ý thức hệ của lãnh đạo Nhà hát cũng như tinh thần, nhiệt huyết, sự đoàn kết và quyết tâm sáng tạo của các diễn viên, nghệ sĩ. NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Giám đốc VNOB, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm được là sự gắn kết các đoàn với nhau trong cùng một chương trình. Nếu như trước kia, một chương trình biểu diễn thường dàn nhạc giao hưởng sẽ ngồi dưới hố nhạc, trên sân khấu là nơi biểu diễn của hợp xướng, opera hay ballet, thì trong “Dạ tiệc âm nhạc - Around the world” dàn nhạc đã được đưa lên tầng 2 trong tư thế được tôn vinh, tạo cảm hứng cho nhạc công cũng như sự thăng hoa cho các nghệ sĩ khác. Khán giả được thưởng thức bằng tai, bằng mắt và các giác quan khác, khiến cảm xúc được nâng đến tận cùng.”

Khó khăn vẫn còn đó

Tuy đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng VNOB vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức không nhỏ chính là làm sao thu hút được công chúng đến với sân khấu. NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết”.

Kinh phí tổ chức cũng là một bài toán khó. Trên thực tế, để tổ chức một chương trình nghệ thuật, VNOB đã phải huy động đến hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, ca sĩ… chưa nói đến đội ngũ làm hậu cần như ánh sáng, âm thanh, sân khấu, phục trang, thiết kế, thuê nhà hát…tất cả những khoản này tính đến tiền tỷ. Nhưng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ chỉ bằng vài phần.Vậy, khoản còn lại lấy từ đâu? Xã hội hóa, xin tài trợ đối với những chương trình như thế này quả không phải là điều dễ dàng!

Bên cạnh đó, làm sao để giữ chân các tài năng hay tìm kiếm nguồn nhân lực trong tương lai cho Nhà hát? Thời buổi “gạo châu, củi quế” như hiện nay, với mức lương vài triệu đồng, mỗi buổi tập luyện vất vả được bồi dưỡng vài chục nghìn đồng, nhiều nghệ sĩ, vì đam mê nghề nghiệp, đã phải ra ngoài kiếm thêm bằng việc đi xe ôm, bán hàng ngoài chợ… Điều đó khiến ban lãnh đạo VNOB phải tính toán cặn kẽ, tìm kiếm các nguồn khác để có thể giúp các nghệ sĩ vững tin với con đường nghệ thuật đã chọn.

Đột phá để tiếp cận khán giả

Trong nghệ thuật trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu mà nghệ thuật hàn lâm vốn là loại hình còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chính vì vậy, bà Trần Ly Ly cho rằng, “muốn khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát… Nghệ thuật có cái thú vị ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ, nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữa lành vết thương tâm hồn”.

Theo chiều hướng đó, VNOB mạnh dạn “thay áo mới” cho loại hình nghệ thuật quý tộc này. Một số chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của VNOB trong việc tạo bước đột phá để tiếp cận khán giả có hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng lại ở những “hiện tượng” như “Maria de Buenos Aires”, “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” hay “Dạ tiệc âm nhạc - Around the world”, trong thời gian tới, VNOB sẽ cho tiếp tục cho ra mắt những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và nhiều sắc màu hơn như vở ca kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở vũ kịch “Hồ Thiên Nga” hay chương trình múa đương đại “Đất và nước”... đây cũng sẽ là điểm nhấn cho năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Nhà hát với các chương trình sẽ được trình diễn lâu dài, thay vì chỉ vài ba đêm như trước đây.

Để có thể đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận gần hơn với công chúng, ngoài việc “thay áo mới” cho các chương trình, VNOB cũng đang thực hiện một chiến lược khá hay. Đó là xây dựng và phát triển mạng lưới khán giả tích cực cho nghệ thuật hàn lâm. Chiến lược này đang được thực hiện thông qua hai hệ thống. Một là, phối hợp với các tổ chức có liên quan để xây dựng câu lạc bộ người yêu nghệ thuật hàn lâm qua mạng xã hội. Hai là, thành lập, mở rộng các lớp đào tạo ngắn hạn về hợp xướng, Ballet, Opera và âm nhạc. Những hoạt động này đã và đang góp phần tích cực vào việc mở rộng sự hiểu biết, niềm đam mê nghệ thuật hàn lâm cho công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Nàng tiên thức giấc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO