'Bài toán' khó của phim truyền hình xã hội hóa

Theo Nhân Dân điện tử 02/11/2016 10:51

Thời gian qua, phim truyền hình Việt Nam tăng mạnh mẽ cả về lượng và chất. Xu hướng xã hội hóa có đóng góp tích cực vào kết quả đó, nhưng bên cạnh mặt tích cực, cũng đồng thời bộc lộ những bất cập đáng suy nghĩ…

Cảnh phim Anh chàng vượt thời gian - bộ phim được coi là "thảm họa", bị VTV dừng phát sóng trước đây.

Xã hội hóa không chỉ có “được”

Những năm trước, sự phát triển các kênh truyền hình và việc thực hiện quy định tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng số lượng phim truyền hình. Từ năm 2007 - 2008, “giờ vàng” 20 giờ 10 phút trên VTV1 và 21 giờ trên VTV3 với hai dòng phim chính luận và xã hội hóa đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Có thể thấy, phim truyền hình Việt Nam đã bao quát nhiều lĩnh vực đề tài, cố gắng đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ biểu hiện ngày càng chú trọng tới những thủ pháp của điện ảnh. Trong đó, một số tác phẩm xây dựng được câu chuyện có thời gian và không gian rộng lớn, sự kiện đan xen phức tạp với những nhân vật có cá tính nghệ thuật, lưu lại dấu ấn sáng tạo của tác giả, dành được sự quan tâm của khán giả và đánh giá tích cực của giới chuyên môn. Có thể kể đến những bộ phim gần đây như Đồng tiền quỷ ám, Hợp đồng hôn nhân, Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Bí mật tam giác vàng, Hai phía chân trời…

Các đài có thêm phim để phát sóng, công chúng có thêm cơ hội lựa chọn, nhưng con đường xã hội hóa phim truyền hình Việt Nam cũng ghi nhận nhiều điều đáng lưu tâm. Số lượng phim ngày càng tăng, song chất lượng không theo tỷ lệ thuận. Trong điều kiện công nghệ làm phim còn khá nghiệp dư, nhân lực cho ngành truyền hình vừa thiếu, vừa yếu, cơ chế phát sóng và tài chính của các đài còn nhiều bất cập, khó tránh khỏi sự trùng lắp về đề tài, dễ dãi trong cách thể hiện.

Bên cạnh đó, không ít phim vẫn khai thác một cách đơn giản, sơ lược những đề tài, chủ đề xa rời đời sống, coi trọng yếu tố giải trí đơn thuần. Đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc ít được đề cập, phản ánh, trong khi phim lịch sử nước ngoài tràn ngập. Một số phim dài dòng, dàn trải; cấu trúc thiếu chặt chẽ và không hoàn chỉnh. Kinh phí sản xuất hạn chế và kế hoạch phát sóng ngặt nghèo cũng dẫn đến tình trạng làm phim vội vã, không bảo đảm chất lượng. Nhiều phim Việt hóa, phim sitcom nội dung hời hợt, mất bản sắc, thiếu tính logic của hiện thực khách quan; diễn xuất, lời thoại không thuyết phục được người xem như Những người độc thân vui vẻ, Cô nàng bất đắc dĩ, Cầu vồng tình yêu, Có lẽ nào ta yêu nhau…

Năm 2011, phim Anh chàng vượt thời gian bị coi là “thảm họa”, phải tạm dừng phát sóng. Đến nay, các nhà quản lý, sản xuất vẫn giữ cách đầu tư cho phim ở tất cả các thể loại theo lối đồng hạng. Bất kể đề tài phim chiến tranh, lịch sử, tâm lý xã hội, giải trí… ; bối cảnh thực hiện ở thành phố hay nông thôn, miền núi..., vẫn chỉ có một mức khoán giá cố định. Do đó, không khuyến khích những đơn vị sản xuất đầu tư nghiêm túc cho chất lượng và đề tài phim. Vì vậy, sự nghiệp xã hội hóa phim truyền hình theo lối “mỡ nó rán nó” vẫn tiếp tục có nhiều bất cập về cả kinh tế và nghệ thuật. Định hướng và cách đầu tư của các đài truyền hình - đầu ra của phim truyền hình cần được thay đổi.

“Quyền lực” của quảng cáo và sóng truyền hình

Nhìn vào chương trình phim của các đài truyền hình trung ương và địa phương, thấy phim dài tập nước ngoài, nhất là của Hàn Quốc và Trung Quốc, chiếm số lượng lớn, phim Việt ở con số khiêm tốn. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua và tương lai cũng chưa có cơ sở chắc chắn để hy vọng một diện mạo mới cho phim truyền hình Việt Nam trên sóng của các đài truyền hình trong nước, chưa tính đến thị trường khu vực và quốc tế.

Phim truyền hình dài tập Việt Nam từng được các nhà sản xuất mang đi chào hàng ở một số chợ phim quốc tế, nhưng chưa có hiệu quả. Đa số các đài địa phương không mặn mà trong việc trao đổi và mua bán phim với nhau. Hàng nghìn phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - VTV, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất hơn 20 năm qua hầu như chỉ chiếu một vài lần ở một đài. Phim do HTV sản xuất cũng chỉ chiếu chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lân cận.

Những hãng phim tư nhân làm phim truyền hình dài tập hầu hết chỉ được quyền phát sóng trên một đài. Như vậy, thiệt thòi lớn nhất thuộc về khán giả và sau đó là nhà sản xuất. Nguồn phim đã không nhiều lại bị hạn hẹp hơn do thiếu sự hợp tác, liên kết. Phim nước ngoài càng có cơ hội “tung hoành”, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu, thói quen thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Nguồn lực chủ yếu của phim truyền hình xã hội hóa chính là thị trường quảng cáo. Nhà sản xuất, hãng phim tư nhân hiện nay có cơ chế: làm phim và gọi quảng cáo đính kèm rồi phát theo giờ trên kênh - sóng hợp đồng thuê. Hoặc làm phim rồi trao đổi với các đài lấy quảng cáo cùng chia lợi tức. Cái lãi của nhà đài là không phải bỏ tiền ra làm phim, có chương trình lấp sóng, lại thu được lợi tức qua việc cho thuê sóng và phần trăm quảng cáo. Như vậy, xã hội hóa phim truyền hình đi vào thực chất là bài toán lợi ích kinh tế và văn hóa.

Từ chỗ cả nước có hàng trăm đơn vị sản xuất phim truyền hình, tới nay chỉ còn khoảng 10 công ty. Các nhà đầu tư sản xuất phim xã hội hóa làm theo kiểu cầm chừng, ăn đong. Những công ty truyền thông có đầu tư lớn cho trường quay làm phim truyền hình cũng phải kết hợp làm các chương trình trò chơi và giao lưu, trò chuyện (gameshow, talkshow…). Nhưng phim Việt đã chiếm lĩnh một tỷ lệ phát sóng cao trên các đài truyền hình, nếu tính phim phát lại thì đã đạt tỷ lệ hơn 30%, thậm chí 50%. Chất lượng phim tăng lên, rating cao, tuy nhiên lại không thu hút được quảng cáo do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính do kinh tế khó khăn, thị trường quảng cáo năm 2016 tiếp tục giảm, kéo theo thị phần quảng cáo dành cho phim truyền hình giảm đáng kể.

Hiện nay, quảng cáo chủ yếu tập trung vào gameshow. Lượng phim sản xuất nhiều, sóng dành cho phim bị thu hẹp dẫn đến tình trạng “ứ đọng” phim, dự tính tới hết năm 2017. Có đài truyền hình từ chỗ đi đầu trong việc làm phim xã hội hóa đã không tiếp tục sản xuất; các hãng phim tư nhân lại càng không mặn mà. “Bài toán” sóng và quảng cáo là một trở ngại lớn đối với phim truyền hình nói chung, phim truyền hình xã hội hóa nói riêng.

Đi tìm lời giải...

Thời gian tới, ngành truyền hình ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ về hạ tầng truyền dẫn, do đó nếu chỉ các đài truyền hình tự lo nội dung để phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn lớn đó sẽ khó đủ sức. Vì vậy, việc mở rộng sản xuất các chương trình, phim truyền hình dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ; không chỉ bó hẹp ở phục vụ nhu cầu khán giả trong nước mà còn vươn ra thế giới, trước mắt là phục vụ bà con kiều bào, khán giả ở nước ngoài. Xã hội hóa sản xuất phim truyền hình không chỉ có trên truyền hình quảng bá mà sẽ phát triển mạnh cả trên khu vực truyền hình trả tiền; không chỉ diễn ra với các tổ chức mà còn mở rộng với các cá nhân. Vì vậy, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa; khắc phục tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, không quan tâm các giá trị văn hóa.

Cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế quản lý chặt chẽ để đạt được mục tiêu chiếu phim Việt trên các đài truyền hình; góp phần tiêu thụ sản phẩm và thực hiện chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ của điện ảnh Việt Nam. Cần đầu tư cho lĩnh vực sáng tác để có nhiều kịch bản phim chất lượng. Đầu tư có trọng điểm cho các đề tài chiến tranh cách mạng; chính luận; miền núi và thiếu nhi... Cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành điện ảnh, truyền hình. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất phim truyền hình như xây dựng trường quay, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo diễn viên...

Truyền hình vừa là thị trường của điện ảnh, vừa là một trong những nhà đầu tư cho sản xuất phim; vì vậy cần triển khai tốt mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong sản xuất, phổ biến phim thông qua việc xây dựng khung giờ chiếu phim điện ảnh trên truyền hình. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa điện ảnh với truyền thông, báo chí. Trên cơ sở những quy hoạch, khung pháp lý, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất khoa học và hợp lý để hoạt động xã hội hóa hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của ngành điện ảnh và truyền hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bài toán' khó của phim truyền hình xã hội hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO