Băn khoăn trại sáng tác văn học nghệ thuật

Hạ Huyền 10/05/2017 08:05

Việc công bố các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật (VHNT) trong hai năm 2015, 2016 do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Trung tâm) tổ chức sẽ được công bố trong thời gian tới đây. Dẫu thế, lâu nay vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình hoạt động cũng như chất lượng sáng tác sau tổ chức trại.

Nhà sáng tác Đà Lạt.

Theo Dự thảo Báo cáo Đề án, hàng năm, Trung tâm có từ 60 đến 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật, qui tụ từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sĩ.

Sau trại sáng tác, nhiều tác phẩm đã được xuất bản phổ biến, đạt giải thưởng của các Hội chuyên ngành. Vì vậy, việc công bố, quảng bá các tác phẩm và công trình văn học nghệ thuật là rất cần thiết.

Tại cuộc họp mới đây với Trung tâm, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh, các tác phẩm được công bố sẽ có ý nghĩa lớn với chính tác giả, chủ sở hữu tác phẩm nói riêng và xã hội nói chung.

Ngoài ra, cần hoàn thiện qui chế tuyển chọn tác phẩm trong các lĩnh vực như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, múc, kiến trúc… để lựa chọn các tác phẩm thật sự xuất sắc trong hai năm 2015 - 2016, có đủ sức hấp dẫn, tạo thành thương hiệu cho sự kiện nghệ thuật này. Dự kiến đề án phải hoàn thiện trong tháng 5/2017 để trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét, phê duyệt.

Cách đây ít lâu, Trung tâm đã tổ chức hội thảo “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác”. Tại hội thảo, nhiều người cho rằng công tác tổ chức Nhà sáng tác hiện nay còn đại trà, lạc hậu; trại sáng tác chỉ thu hút các văn nghệ sĩ già, đã nghỉ hưu.

Trong khi việc được đi dự các Trại sáng tác của Trung ương Hội là mong muốn của nhiều tác giả, nhất là các tác giả địa phương. Đó còn như là một sự lựa chọn nghề nghiệp tự thân uy tín cho người viết.

Nhưng theo phản ánh, một số văn nghệ sĩ giờ đây lấy mục đích đi sáng tác để kết hợp đi tham quan, nghỉ mát; một số Hội VHNT địa phương chưa làm tốt công tác lựa chọn hội viên khi tham dự trại.

Về điều này, ông Huỳnh Văn Ngàn - Giám đốc Trung tâm đã thẳng thắn nhìn nhận: Việc sáng tác hiện nay chưa coi trọng việc nghiệm thu sản phẩm ban đầu, công tác tổng hợp đánh giá chất lượng tác phẩm tiêu biểu qua từng đợt sáng tác còn thiếu làm hạn chế sức lan tỏa, tính hấp dẫn cho mỗi lần mở trại sáng tác.

Trước thực tế ấy, có không nhiều người đồng tình rằng nên chăng, ban giám đốc các nhà sáng tác hoặc Bộ VHTTDL cần có một bộ phận chuyên môn tuyển chọn những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu từ các trại viết để in sách, để dàn dựng công diễn hoặc liên kết với các NXB, các đoàn văn công để họ khai thác số “sản phẩm” này.

Hiện nay cả nước có gần 120 đầu mối là các đơn vị có chức năng tổ chức Trại sáng tác. Bao gồm, các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, các Hội địa phương, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực tiếp thuộc các Bộ, các đơn vị văn học nghệ thuật chuyên nghiệp của khối lực lượng vũ trang.

Vậy có cần tới mô hình nhà sáng tác nữa hay không? Nhà văn Trung Trung Đỉnh từng nói rằng, bây giờ trại sáng tác là không cần thiết nữa. ngoài đối tượng là người sáng tác về hưu, rảnh rỗi, thì thời gian dự trại chỉ có 15 ngày – chừng ấy liệu có đủ để thai nghén những tác phẩm lớn có giá trị? Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng mô hình trại sáng tác là cần thiết, nhất là với những cây viết trẻ.

Theo ông Vương Duy Biên: Không nên bỏ trại sáng tác, nhưng cần phải có những điều chỉnh hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn trại sáng tác văn học nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO