Bạn là ai khi tham gia chợ cảm xúc

Nguyễn Thuý Hanh (Vietseri) 28/10/2015 07:25

Thế kỷ mà chúng ta đang sống hôm nay là thế kỷ mà mạng xã hội đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Các trang mạng xã hội được nhiều người biết đến là Facebook, Google+, Twitter, Youtube, Viber, Zalo đang từng ngày cạnh tranh nhau để lan toả. Mạng xã hội đã trở nên gần gũi với tất cả chúng ta, đặc biệt là giới trẻ. 

Ảnh minh họa.

Nó như một khối Rubic khổng lồ luôn xoay chuyển để tạo những nền tảng phát triển theo hướng tích cực, giúp chúng ta mở rộng quan hệ bạn bè đến khắp mọi nơi trên thế giới và tìm hiểu nắm bắt một cách nhanh chóng được nhiều thông tin quan trọng mà ở các phương tiện thông tin khác không có.

Số lượng người tham gia mạng xã hội ngày càng đông. Hiện nay có khoảng 1,32 tỷ người dùng Facebook, 319 triệu người dùng Google+ và 115 triệu người sử dụng Twitter đã làm cho tốc độ tăng trưởng hàng năm của các trang mạng này tăng 33% trở lên.

Đã có nhiều nghiên cứu và các bài viết đề cập đến việc sử dụng mạng xã hội và tính năng của nó. Mạng xã hội càng phát triển thì cảm xúc của con người cũng có nhiều hình thái để thể hiện.

Tham gia mạng xã hội tức là ta tham gia những phiên chợ, những phiên giao dịch về cảm xúc với các trạng thái “hỉ, nộ, ái, ố” đang được rao bán hàng ngày mà người ta gọi đó là “chợ cảm xúc”. Một số nghiên cứu đã nhận xét rằng nếu sử dụng mạng xã hội với tốc độ tích cực thì tính cách của chúng ta sẽ dần dần trở nên tiêu cực.

Một “ông hoàng nhạc Việt” cay cú khi bị mất mặt với đồng nghiệp chỉ vì bỗng nhiên bị hớt tay trên một cậu học trò còn đang ở thời kì tập toẹ “khởi đầu nan” đã tham gia chợ facebook để lớn tiếng chửi rủa, móc máy đồng nghiệp. Khi bị đồng nghiệp phản pháo, chợ bắt đầu ồn ào, kẻ góp “đá” ngày càng đông khiến mạng xã hội cứ nổi rầm rầm. Người hâm mộ cũng được dịp “tát nước theo mưa” nên cũng nô nức ra vào tát hết mình và tát đến cạn tình.

Một “bậc tiền bối” khác cũng đã ngang nhiên vào mạng xã hội chửi thẳng một nhóm người khiến cho các nút cảm xúc của mạng xã hội lại được một phen “cháy chợ”.

Một cô hoa hậu dáng ngủ còn chưa đẹp, một cô người mẫu ca sĩ bị dính nghi án làm kẻ thứ 3, hay đội tuyển bóng đá quốc gia còn chưa làm được điều mà nhiều người kỳ vọng... bỗng chốc đều trở thành nạn nhân của các phiên “chợ cảm xúc” lùm xùm trên mạng xã hội.

Câu chuyện của hai “hotgirl” hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) để “giải quyết vấn đề” không chỉ kéo theo hàng ngàn người tới xem gây ách tắc giao thông mà còn làm xôn xao khắp giới truyền thông.

Nữ sinh Kierra’onna Rice 14 tuổi đã bị bắn chết tại một công viên ở Mỹ chỉ vì gây ra một cuộc cãi cọ trên Facebook vào tháng 3/2015 vừa qua.

Cũng chỉ vài ngày mới đây thôi khi một nhà thơ nổi tiếng bị dính nghi án “đạo thơ”, trong tích tắc đã trở thành nạn nhân của những cuộc “ném đá hội đồng”.

Thậm chí chị còn bị một nhà thơ “đàn em” khác lên mạng “dìm hàng”, thoá mạ, chê bôi dằn mặt khiến cho nhiều cư dân mạng tỏ thái độ bất bình ngay lập tức với “nhà thơ đàn em” này qua những dòng chửi khéo như: “Vừa vừa thôi em, xin em đừng mượn cớ đánh chị ấy cho đến chết...”; hoặc “đúng là cô ấy đáng bị đánh đòn nhưng không phải ai cũng có quyền được đánh cô ấy”, thậm chí còn nặng nề hơn như: “Thôi đi em, tranh nhau làm người tử tế để làm gì”...

Và có lẽ dân mạng lại sắp được dịp nô nức tham gia một phiên chợ mới.

Không phải cứ là chợ thì càng đông càng vui, “chợ cảm xúc” thì ngược lại. Cách tham gia và ứng xử của mỗi người tại “chợ cảm xúc” giúp chúng ta biết được nhân cách của từng người và biết được họ là ai? Đó là lý do mà trong thời gian gần đây có khá nhiều công ty khi tuyển dụng lao động đã yêu cầu người lao động phải công khai danh tính các tài khoản mạng xã hội của mình khi tham gia tuyển dụng. Đây là việc làm được sự tán đồng của nhiều người trong việc chung tay quản lý trật tự mạng xã hội.

Hầu như tất cả các tệ nạn xã hội đều là hậu quả do hiệu ứng đám đông mang lại, vậy nên các bài báo với những cái “tít” giật gân có các “từ rùng rợn” như “thảm sát”, “cướp”, “giết”, “hiếp”, “bạo lực học đường” vẫn xuất hiện nhan nhản trên các trang báo mạng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chúng ta đã không kiểm soát và làm chủ được lý trí, cảm xúc của bản thân mình trên mạng xã hội đã vô hình tiếp tay làm bùng nổ tệ nạn xã hội. Để giữ gìn nét văn hoá văn minh, mĩ quan đô thị và trật tự xã hội chúng ta có thể dẹp bỏ những chợ cóc, chợ tạm, chợ bán hàng rong trong một ngày, một tuần.

Còn các loại chợ cảm xúc, chợ ảo bán hàng loạt “gạch đá” và bán cả những thứ “vũ khí tử thần” giấu mặt ẩn sau gạch đá như thế này thì ai dẹp và không biết khi nào mới có thể dẹp được.

Nhận định về vài trò của Facebook trong thập kỷ mới, Mark Zuckerberg đã chia sẻ: “Có lẽ đã tới lúc con người đa đạng hoá và học cách chọn lọc cảm xúc của mình”. Vì vậy mà Facebook đã thay nút “dislike” bằng 6 biểu tượng cảm xúc mang lại yêu thương nhiều hơn cho mọi người trong cộng đồng xã hội. Hy vọng khi ấy tất cả chúng ta sẽ không bị trở thành tiêu cực khi tích cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạn là ai khi tham gia chợ cảm xúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO