Bảo tồn nhà ở phố cổ Hà Nội: Rất chậm

Từ Khôi 14/02/2020 05:10

Trầm tích của Hà Nội ngàn năm văn hiến ngày nay hiện diện trên mặt đất của quận Hoàn Kiếm là những di tích lịch sử văn hóa dày đặc. Bên cạnh đó là nhiều ngôi nhà cũ có độ tuổi trên trăm năm. Câu chuyện bảo tồn các di sản này đã được đặt ra nhiều năm nhưng hiện vẫn loay hoay…

Bảo tồn nhà ở phố cổ Hà Nội: Rất chậm

Nhà cổ trên phố Hàng Đường.

Trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đáng chú ý là việc bảo tồn những ngôi nhà được xây dựng trước năm 1954 (thời Pháp). Mặt tiền của dãy phố Tạ Hiện mới đây đã được cải tạo đáp ứng yêu cầu tuân thủ kiến trúc và màu truyền thống. Tức là không sử dụng màu sắc tương phản hoặc chói lóa. Màu thường là các màu nâu, vàng nhạt, trắng, xám, pha xanh rêu nhạt, hồng nhạt. Đặc điểm của đa phần các ngôi nhà xây dựng trước 1954 là nhà ở có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ, có mái dốc lợp ngói. Chức năng chủ yếu của những ngôi nhà này là nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, du lịch và công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Từ năm 1998 đến nay, chúng ta mới thấy Hà Nội trùng tu thành công và mẫu mực ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây. Ngôi nhà này được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam với chức năng sử dụng để ở và bán hàng. Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, tức là theo dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí…

Một số ngôi nhà và mặt tiền của phố Tạ Hiện được trùng tu gần đây không đáp ứng kỳ vọng của kế hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Có lẽ vì vậy, UBND TP Hà Nội đã phân cấp ra hai khu vực để bảo vệ, tôn tạo. Khu vực cấp 1 với quy mô 19ha được giới hạn ở các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật (gồm 21 phố, đoạn phố). Những công trình xây dựng trước năm 1954 trong khu vực 1 này phải được lập hồ sơ hiện trạng, theo dõi định kỳ phục vụ cho quá trình trùng tu, bảo tồn. Các ngôi nhà được bảo tồn nguyên trạng chiều cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, tổ chức không gian; sử dụng vật liệu truyền thống (gỗ, ngói, tường gạch xây, vữa vôi). Các công trình liền kề không được phép xây dựng cao hơn 1 tầng so với công trình có giá trị đặc biệt, và phải theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ. Phát huy, nhân rộng phong cách kiến trúc các công trình nhà có giá trị và giá trị đặc biệt tại khu vực tạo thành các dãy công trình thống nhất phong cách. Khu vực 2 với quy mô khoảng 63 ha, là các phố còn lại trong khu vực khoanh vùng khu phố cổ. Các công trình được chỉnh trang, “nới” bớt quy định nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Sau một thời gian phê duyệt, đến nay Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đang lựa chọn nhà thầu để khởi công Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Mục đích của kế hoạch nhằm di chuyển 1.530 hộ dân ra khỏi khu phố cổ giai đoạn 1 để thực hiện việc tôn tạo. Trước mắt sẽ di dời hộ dân trên địa bàn 10 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc. Ông Nguyễn Chí Lực- Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm kiêm Trưởng ban Quản lý khu phố cổ cho biết: UBND quận Hoàn Kiếm cũng đang phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của thành phố để tìm và lựa chọn quỹ đất (khoảng 30ha) tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ - Giai đoạn 2 của Đề án, di chuyển tiếp 5.020 hộ dân đến nơi ở mới, phấn đấu trong tương lai gần, mật độ dân số trong khu phố cổ là 500 người/ha.

Cái khó trong việc di dời dân để tôn tạo nhà cổ là hiện tại người dân vẫn sinh sống và kinh doanh trên chính ngôi nhà đó. Ngôi nhà 47 Hàng Bạc, một ngôi nhà cổ và đẹp nhất của Hà Nội qua mấy lần sập mái, hỏa hoạn nhưng người dân vẫn “bám trụ” trong đó. Tuy hồ sơ chi tiết đã hoàn thành nhưng các hộ chưa được di dời. Một nguyên nhân khiến các hộ dân còn băn khoăn mà Ban Quản lý phố cổ đưa ra là: Khu phố cổ có mật độ dân cư đông đúc, chủ yếu là các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, giá trị bất động sản cao. Dân cư tập trung đông, sở hữu nhà đất phức tạp, kinh tế phát triển nhanh, mâu thuẫn giữa yêu cầu quản lý về bảo tồn và nhu cầu phát triển của người dân, cơ chế chính sách chưa đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn nhà ở phố cổ Hà Nội: Rất chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO