Bắt trẻ tham gia gameshow nhí có thể xem như sự bóc lột, lạm dụng

Theo TPO 01/06/2017 18:55

PGS.TS. Trịnh Hoà Bình chia sẻ với Tiền Phong về hiện tượng nhiều bậc phụ huynh mải mê chạy theo giá trị ảo, bệnh thành tích nên ép con tham gia quá nhiều gameshow, cũng như cách bảo vệ trẻ em trước guồng quay đó.

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều gameshow nhí khiến dư luận lo ngại
vì trẻ phải áp lực, hứng chịu tác động tiêu cực không nhỏ. (Ảnh: Minh hoạ).

PV: Gần đây nở rộ các game show cho đối tượng nhí. Ông đánh giá thế nào dành cho các chương trình này?

PGS.TS. Trịnh Hoà Bình: Hiện nay chúng ta thấy rất nhiều chương trình, thậm chí có thể nói đầy rẫy gameshow dành cho trẻ em, vị thành niên và lứa tuổi khác. Có điều là gameshow đích thực theo nghĩa lành mạnh, trong sáng rất hiếm. Dường như do thiếu sân chơi, đa dạng hoá nên nhà tổ chức sản xuất, nghệ sỹ thể hiện, nhà đài và kể cả cộng đồng xã hội chủ trương xem đó giống như hoạt động giải trí chung. Điều đó cho thấy thực tế sân chơi ở làng giải trí của chúng ta bị thiếu hụt trầm trọng, trong khi đó nhu cầu có thật và rất mạnh mẽ.

Từ đấy nảy sinh gameshow như dòng suối chảy bất kể nhà đài trung ương, địa phương. Nhiều chương trình thậm chí giành giật nhau, túng bấn nghệ sỹ thể hiện, thí sinh tham gia cuộc chơi cũng như giám khảo ngồi ghế nóng trở nên trùng lắp. Lời phán, thái độ ứng xử, văn hoá giao tiếp của giám khảo cũng có vấn đề: Có thể họ cười dễ dãi, hoặc phán những câu bông phèng, vô thưởng vô phạt. Người ngồi ghế nóng tuỳ tiện phát biểu. Đó là mặt bằng, hiện thực gameshow dành cho trẻ như thế.

Hiện tượng người lớn xem trẻ tham gia gameshow như loại giải trí có tác động thế nào tới trẻ, nhất là khi họ buông lời bình luận và thậm chí ném đá hội đồng những đứa trẻ ấy?

- Mặc dù vẫn có những gameshow cố gắng nhất định nhưng rõ ràng người lớn đang mượn sân chơi đó để dành cho mình. Lời phán xét, bình luận, hành vi ném đá trên mạng rất phức tạp và nhiều hướng, tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi sự thống nhất nhưng nó cho thấy màu sắc khác nhau từ các lời bình luận. Chắc chắn trẻ rất hoang mang khi một sự việc được tiếp cận nhiều hướng và đưa ra phán truyền khác nhau. Trẻ em tiếp nhận thứ văn hoá có tính chất hổ lốn như vậy làm cho chúng hoang mang và tiếp cận chân lý, tư duy chân - thiện - mỹ một cách lệch lạc.

Chẳng hạn giám khảo có thể cười, pha trò kiểu này kiểu khác nhấn đi nhấn lại, trẻ em nhìn vào lầm tưởng đó là chuẩn mực và đúng đắn. Nguy hiểm là thế. Nếu nâng lên chút nữa, việc này đưa lại nhận thức về giá trị sống. Bên cạnh kỹ năng sống trẻ được trang bị (không loại trừ một số gameshow tích cực, trang bị kỹ năng sống, rèn luyện khả năng thẩm mỹ, giới thiệu gương mặt này chân dung kia làm vui cuộc sống và phát hiện tài năng) gameshow nhí đưa lại phần méo mó không nhỏ, làm cho trẻ em mất tính hướng đích về vươn tới giá trị thẩm mỹ tích cực.

Trong ba điểm ở Luật trẻ em 2017 có hiệu lực “gây bão” những ngày qua, có điều khoản quy định rằng “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật…”. Vậy việc nhiều bậc phụ huynh cho con em đi thi hết gameshow này đến gameshow khác, rồi sắp lịch biểu diễn chạy sô kín mít có thể quy là bóc lột sức lao động của trẻ?

- Ở một chừng mực nào đó có thể thấy điều đó. Bởi vì có những đứa trẻ ráng hết sức để đóng vai nhân vật này nhân vật kia trong một số gameshow. Đó là việc quá sức, hoặc trẻ chưa đủ sức thẩm thấu, nhân cách chưa đủ mạnh để bắt chước người này người kia. Vấn đề không phải bắt chước điệu bộ mà phải uốn éo, chạy theo tư duy đến xúc cảm của người khác, trường hợp đó khiến trẻ em gắng quá sức. Trẻ phải gồng quá sức về tâm sinh lý, trí lực, tâm lực, thể lực rõ ràng là bị lạm dụng, bóc lột.

Nguy hại hơn không phải ở khía cạnh bóc lột, mà có thể xem như lạm dụng. Tệ hơn đôi khi sự lạm dụng đó là sáng tạo theo hướng lệch lạc: Về khoa học thẩm mỹ, người ta cho rằng tặng hoa nên tặng hoa thật không tặng hoa giả. Ấy thế xã hội ta tặng hoa giả cho nhau quá nhiều. Hàng hoá sản phẩm cũng thế, sản phẩm ảo và giả không thiếu, hoặc kết quả thiếu trung thực vô hình trung làm cho xã hội mới của chúng ta trong đó có trẻ em tôn thờ giá trị giả.

Luật Trẻ em có quy định rồi, nhưng làm sao để bảo vệ trẻ em khỏi những điều này thưa ông?

- Rõ ràng bài toán phải giải ngay từ các gia đình Việt Nam, rồi áp lực trong đời sống cộng đồng, nghĩa là phải tạo được dư luận xã hội phản đối điều đó. Ví dụ gần đây nhất là việc Sở VHTT Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra khuyến cáo cộng đồng có quyền từ chối, khuyến cáo Minh Béo từ bỏ việc làm chương trình cho thiếu nhi bởi vì hình ảnh xấu rồi nếu đưa lên nghĩa là tôn thờ giá trị ảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắt trẻ tham gia gameshow nhí có thể xem như sự bóc lột, lạm dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO