'Bình quyền hay không là ở phụ nữ'

Từ Khôi (thực hiện) 07/03/2020 08:30

Tính đến thời điểm hiện tại, với 21 đầu sách, Y Ban là nhà văn nữ có sức sáng tạo rất đáng phục. Các nhân vật nữ trong truyện của Y Ban rất đa dạng về thân phận và tính cách. Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 sắp tới, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn.

'Bình quyền hay không là ở phụ nữ'

Nhà văn Y Ban.

PV: Với 31 năm cầm bút, nói đến Y Ban, bạn đọc hay nói tới số phận các nhân vật nữ. Sở trường này bộc lộ ngay từ truyện ngắn đầu tay “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1989 - 1990). Chị có thể kể qua về những nhân vật nữ ám ảnh trong tác phẩm của mình?

Nhà văn Y Ban: Đúng vậy. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” và “Người đàn bà có ma lực” tôi đã viết về thân phận phụ nữ. Ngay mẹ Âu Cơ, vị Quốc Mẫu huyền thoại của dân tộc thân phận đã rất chìm nổi. Chịu cảnh chiến tranh, gia đình chia đôi. 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển. Truyền thuyết thì nói mẹ Âu Cơ sinh ra 100 người con trai, còn trong truyện “Thư gửi mẹ Âu Cơ” tôi lại viết mẹ sinh ra 50 người con trai và 50 người con gái. Như thế cho cân bằng và sinh sôi thành gia đình, xã hội.

Trong truyện ngắn “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, nhân vật chính là một cô gái trẻ trót mang thai với bạn học. Người mẹ bắt phải đi phá thai. Hẳn mọi người còn nhớ tâm trạng của cô thống thiết: “Mẹ Âu Cơ sinh được 50 người con trai 50 người con gái. Đất nước anh hùng thiên tai ngoại xâm liên miên, nên những người con trai của mẹ thành anh hùng thi sỹ. Còn 50 người con gái trở thành những người mẹ. Mẹ chỉ chú ý đến anh hùng thi sỹ mà không chú ý đến những người đàn bà. Thế thì bây giờ, con kêu mẹ, mẹ hãy chú ý đến những người đàn bà, vì những người đàn bà sẽ làm mẹ”.

Còn người phụ nữ trong truyện “Người đàn bà có ma lực” thì trải qua 7 mối tình mà cuối cùng vẫn không có được mái ấm gia đình. Hàng ngày chị ngồi nghe tiếng dao, tiếng thớt, tiếng trẻ con khóc… thèm muốn một cuộc sống gia đình mà không có được. Người phụ nữ trong tác phẩm “Chú nghẹo” trái lại, sinh được 8 người con. 7 người con thành đạt duy có chú nghẹo gánh hạn cho cả nhà. Người mẹ ấy chăm sóc tất cả các con, đến khi chú nghẹo chết thì mẹ cũng 90 tuổi và thanh thản ra đi.

Đặc biệt, người phụ nữ trong tác phẩm “I’am đàn bà”. Người phụ nữ trong thời hội nhập, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, buộc phải ra nước ngoài làm thuê kiếm ăn. Chịu thương, chịu khó vất vả nơi xứ người mà cuối cùng vẫn vướng vòng lao lý vì một chút bản năng tính dục.

Những nhân vật nữ của Y Ban trải dài các tính cách, thân phận từ người nông dân, người làm thuê, cô gái bán hoa, công chức, bác sĩ, nhà báo, nhà văn… nhưng còn một loại nhân vật nữ nữa là nữ lãnh đạo thì chưa thấy? Chị nói sao về điều này?

- Vì tôi khó tưởng tượng. Thường thì các nữ nhân vật mà tôi đã viết, tôi dễ đặt bản thân mình vào vị trí của họ.

Các nhân vật nữ của chị dù chịu nhiều hoàn cảnh éo le, nhưng ít khi phải chết. Chị gửi gắm điều gì trong thông điệp này?

- Chết là hết. Còn sống nhân vật mới còn hy vọng, còn khát khao. Trong truyện ngắn “Đàn bà sinh ra từ bóng đêm”, cô gái bán hoa được khách hàng cho một vé xem phim. Cô bán không được nên đành đi xem. Trong bóng tôi của rạp, bỗng có một bàn tay nắm lấy tay của cô. Không biết bàn tay của nam hay nữ, của người già hay người trẻ. Cái nắm tay ấy khiến cô được hồi sinh. Trước đó, cô quan hệ với nhiều người nhưng không ai nắm tay cô cả. Cái nắm tay khiến cô nhớ tới đứa con mà cô sinh ra rồi bỏ nó. Cô quyết định tìm lại đứa con…

Qua những câu chuyện như thế, tôi muốn nâng cao hơn thân phận của người phụ nữ mà hoàn cảnh éo le khiến họ đang phải chịu đựng.

'Bình quyền hay không là ở phụ nữ' - 1

Một số tác phẩm của nhà văn Y Ban.

“Đàn bà xấu thì không có quà”, cái tên của cuốn tiểu thuyết rất ấn tượng. Chị nói sao về nhân vật Nấm trong tiểu thuyết?

- Nấm là người đàn bà có hình thể xấu. Ở thời điểm tôi viết tiểu thuyết này (2004), thì phong trào làm phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội chưa có. Nấm chịu nhiều ấm ức và tâm trạng kìm nén. Nhưng cô là người trời phú cho sự thông minh, cô biết giải tỏa những ẩn ức đó vào trang văn. Nấm đã biết thoát ra khỏi “vòng kim cô” những uẩn ức trong cuộc sống để có được hạnh phúc tinh thần.

Chị quan niệm về quyền bình đẳng, bình quyền hay thiên chức của người phụ nữ trong xã hội hiện đại như thế nào?

- Từ xưa, thiên chức của người đàn ông đã là săn bắn, kiếm cái ăn về cho gia đình. Người phụ nữ ở nhà lo giữ lửa, nấu nướng và chăm con. Nữ quyền của phương Tây và phương Đông cũng rất khác nhau. Ở nước ta, thân phận người phụ nữ phong kiến rất khổ cực. Quyền phụ nữ mới được đề cập và phát triển trong khoảng 100 năm trở lại đây.

Bình quyền hay không là ở phụ nữ. Người phụ nữ có được bình quyền thì chính họ phải ý thức được quyền đó. Hiện nay, nhiều phụ nữ đi từ cực tả sang cực hữu. Có người chỉ muốn làm mẹ đơn thân. Rồi đồng tính theo trào lưu. Với người mẹ đơn thân họ đã tước đi quyền có cha của con. Họ có biết rằng một người mẹ giỏi giang đến đâu cũng không thể thay thế được người bố. Đứa trẻ có nói ra sự thiếu hụt đó hay không mà thôi.

Theo tôi, bình quyền là nói đến quyền chủ động của người phụ nữ trong cuộc sống. Mà quyền đầu tiên là thiên chức làm mẹ.

Gia đình chị là một gia đình nghệ sĩ. Chồng chị là nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ. Tính cách của hai người đều dữ dội. Vậy chị xử lý bình quyền trong gia đình thế nào?

- Tôi vẫn nói với mọi người: Nhà tôi hai nghệ thì thành gừng. Nguyên tắc của chúng tôi là không mang lửa về nhà. Tức là không mang xung đột bên ngoài về nhà. Khi anh Cơ nổi điên thì tôi yên và ngược lại. Anh ấy thường nói vui với bạn: 90% trí lực của “tao” là để “đối phó” với vợ. Vậy thì tôi được quan tâm lắm chứ…

Trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bình quyền hay không là ở phụ nữ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO