Bứt phá trong ... bóng tối

Dương Quỳnh 10/04/2016 08:50

Thi thoảng tôi vẫn bắt gặp Giáng Son đi xe bus từ khu đô thị Ecopark sang trung tâm Hà Nội. Chọn cho mình một cuộc sống không quá ồn ào, để sống và viết, trước hết cho chính mình, rồi khi thấy đủ sức căng, đủ độ chín, Giáng Son sẽ bứt phá.

Bứt phá trong ... bóng tối

Nhạc sĩ Giáng Son.

Tìm đỉnh núi để vượt qua

Mà quả thật, khi “bị” hỏi, khi sáng tác chị thường đặt mình ở tư thế nào: Sáng tác cho chính mình hay cho khán giả?, Giáng Son đã không đắn đo mà rằng: Tôi viết cho chính mình, theo đuổi những mong ước, những đỉnh núi mà mình muốn vượt qua. Tôi ít khi bị chi phối bởi những giá trị giải trí không phù hợp với mình.

Có lẽ chính nhờ sự lựa chọn ấy, ở vai trò của một nhạc sĩ sáng tác, Giáng Son được là chính mình, chị không loanh quanh chạy theo thị hiếu khán giả hay có khi rẽ ngoặt sang những nhánh đường để rồi có lúc lạc lối như một số nghệ sĩ khác. Cũng có thể bởi ngay từ cái tên mà cha mẹ đặt cho: Giáng Son- một nốt son giáng rất ít gặp trong bản nhạc, cũng đã góp phần tạo dệt tính cách của chị.

“Tôi rất cẩn thận với những công việc chuyên môn. Tôi rất sợ đồng nghiệp nhận xét là làm việc cẩu thả! Có thể bài hát không hay nhưng sự đầu tư cho nó là phải kỹ lưỡng. Nó sẽ nâng bài hát lên thêm một bậc. Tất cả những tôi làm là để các khán giả được nghe một sản phẩm tốt nhất mà thôi”, Giáng Son tâm sự.

Quả vậy, vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ, hiện là Phó khoa Kịch hát trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, vì thế Giáng Son không thể làm qua loa. Đã làm là làm cẩn thận, kỹ lưỡng nhất có thể.

Có thể ít người biết, Giáng Son sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật chèo: bố là nhà nghiên cứu chèo hàng đầu Việt Nam- nhạc sĩ Hoàng Kiều và mẹ là giáo viên dạy múa chèo ở Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh. Hồi bé, Giáng Son thường hay theo mẹ đi dạy. Nhiều người khi đó đã đoán rằng, “con nhà công không giống lông thì giống cánh”…

Vượt bóng “Giấc mơ trưa”

Dạo trước, Giáng Son vẫn được nhiều người gọi là nhạc sĩ của “Giấc mơ trưa”. Vài năm gần đây thì gọi là nhạc sĩ “Bốn mùa hoa Hà Nội”. Gọi như thế, bởi 2 ca khúc ấy đã “đóng đinh” vào Giáng Son, và được nhiều người yêu thích. Thậm chí người trong nghề cũng bảo, Giáng Son chỉ có “Giấc mơ trưa”. Nghe điều ấy, một người trẻ trung hay cười như Giáng Son cũng gợn buồn.

Nhưng khoảng cuối 2015, tôi nhớ, Giáng Son đã có một bước đi mà đồng nghiệp cho rằng “mạnh mẽ”. Đó là khi chị công bố album “Bóng tối jazz” (The Shadow Of Jazz) sau 8 năm kể từ album đầu tay. Về album này, Giáng Son bảo: Khi quyết định viết theo blues jazz, tôi nghe thật nhiều những tác giả, ca sĩ, bài hát nổi tiếng về dòng nhạc đó để học hỏi và lấy cảm hứng. Khi tôi cảm thấy mình có thể ngấm và viết được về dòng nhạc đó thì tôi mới bắt đầu sáng tác.

Nhạc sĩ Giáng Son được bạn bè biết tới với một cuộc sống khá êm ả: chồng là một “ông Tây” chấp nhận “ở rể” và hòa nhập rất nhanh với đời sống, văn hóa Việt Nam. Giáng Son từng tâm sự: “Chồng tôi luôn ủng hộ tôi trong âm nhạc và tôi tìm thấy ở anh một điểm tựa tinh thần vững chắc. Với tôi, âm nhạc không chỉ là cuộc sống, là sự nghiệp mà còn là cầu nối để tôi có được những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ trong đời”.

Với “Bóng tối jazz”, Giáng Son đã có cuộc bứt phá mới khi chị sở hữu một vốn giai điệu giàu có, và với âm hưởng blues, jazz, chị đưa những giai điệu đẹp vào một không gian âm nhạc nhiều màu sắc. 10 bài của album đưa người nghe tới những phong cách như jazz pop, soul jazz, blues tới big band jazz, bossa nova… Qua giọng hát của Tùng Dương và Trần Thu Hà, những ca khúc nhạc jazz của Giáng Son đã có dịp đến gần với công chúng.

Giáng Son cho biết: Ca khúc viết lâu nhất và nhất quyết giữ đến tận bây giờ mới cho ra mắt khán giả chính là ca khúc chủ đề album “Bóng tối jazz”.

Theo Giáng Son, đây là ca khúc thứ 5 chị cộng tác với nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. “Đây là bài hát tôi rất tâm huyết và khi viết đã nhắm đến Hà Trần thể hiện. Rất nhiều năm không có những dự án phù hợp với bài đó nên tôi quyết không đưa ra”, Giáng Son tiết lộ.

Bây giờ bài hát đến với khán thính giả qua chính giọng hát của Hà Trần, điều đó khiến Giáng Son thấy vui. Lại thấy Giáng Son hay phổ thơ người khác, của các nhà thơ: Phan Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Trương Quế Chi… V

ì thế tôi tò mò mà hỏi, chị tìm thơ của họ hay chị “đặt hàng” trực tiếp để họ viết những ca từ phù hợp với âm hưởng jazz blue mà chị theo đuổi? Giáng Son không giấu: Có những bài thơ tôi đọc được trên báo và chưa hề biết mặt nhà thơ, như Y Mai của “Thu cạn” chẳng hạn. Còn thì, nhiều trường hợp là do các nhà thơ gửi tặng. Tôi thường về đọc thấy bài nào có cảm xúc phổ được là phổ ngay.

Còn một điểm khá thú vị trong các ca khúc của Giáng Son, đó là trong nhiều bài hát chị sử dụng quãng giọng rất rộng, lên tới 2 quãng 8. Giáng Son biết điều đó gây khó khăn cho các ca sĩ rất nhiều. Chỉ có một số ít ca sĩ mới đủ quãng giọng để thể hiện các bài hát đó.

Trong các bài hát thì giai điệu cũng hay có những bước nhảy quãng khá khó, thăng giáng bất thường… Nhưng điều đó khá gần với những bản romance cổ điển và cũng góp phần tạo nên phong cách sáng tác của Giáng Son.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bứt phá trong ... bóng tối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO