Cấp phép ca khúc: Đầu xuôi, đuôi có lọt?

Minh Sơn 03/11/2017 08:25

Sau hai cuộc lấy ý kiến tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa tổ chức hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời hội nhập, phát triển hiện nay” tại Hà Nội. Nhiều giải pháp đã được các nhà quản lý đưa ra, với mong muốn tạo một hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho người hoạt động nghệ thuật.


Việc cấp phép ca khúc trong thời gian tới sẽ bớt các thủ tục rườm rà? (Ảnh minh họa).

Nhiều bất cập

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý hoạt động sáng tác, biểu diễn và lưu hành các sản phẩm âm nhạc trên thị trường theo đánh giá chung những năm gần đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong nước sôi động và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, làn sóng nhạc trẻ đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả đã tạo ra một xu thế không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ.

Thực tế đã có nhiều ca sĩ có những đóng góp tích cực trong thị trường âm nhạc Việt Nam như Mỹ Tâm, Thu Minh… Bên cạnh việc khán giả chấp nhận các sản phẩm âm nhạc của họ ở trong nước thì họ cũng đã được ghi nhận ở những giải thưởng âm nhạc ở nước ngoài. Những giải thưởng dành cho nghệ sĩ Việt là không thể phủ nhận, đó chính là một tín hiệu vui với người hâm mộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng tốt thì câu chuyện “nhạc rác” với nội dung ca từ nhảm nhí vẫn đang làm các nhà quản lý phải “đau đầu”. Đơn cử, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn dẫn chứng về việc có nhiều phản ánh về clip bài hát có tên gọi “Phiếu bé ngoan”, “Tan ka ka”, ”Give it to me”, “Em không hối tiếc” hay gần đây nổi lên sản phẩm “Như cái lò”... Các ca khúc trên sau khi phát hành đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá là có ca từ nhảm nhí, hình ảnh, trang phục phản cảm, không được phổ biến rộng rãi...”.

Cùng với đó, câu chuyện “lùm xùm” trong thời gian qua về cấp phép cho ca khúc trước năm 1975 dường đến nay vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng để việc cấp phép cho các địa phương thực hiện? Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, hướng chuyển cấp phép phổ biến các bài hát này về địa phương vẫn đang được trao đổi. Khi Nghị định chưa thay đổi thì những quy định vẫn được thực thi như trước. Tuy nhiên, với những ca khúc đã quen thuộc, xét thấy nội dung bài hát không vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, sẽ đề nghị đơn vị xin phép xin cấp tại địa phương. Trong trường hợp các tác giả của ca khúc còn sống, họ nhận thấy và tự nguyện chỉnh sửa lời cho phù hợp thì sẽ được ghi nhận và ủng hộ.

Có nên thông thoáng cơ chế cấp phép?

Trước những bất cập tồn đọng trên, bà Nguyễn Thị Kim Thoa- vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự (Bộ Tư pháp) cho biết, về việc cấp phép các ca khúc trước năm 1975 cần điều chỉnh văn bản pháp luật để đáp ứng thực tế. Nói về hạn chế của Nghị định hiện tại, bà Thoa cho rằng việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 khó chấp nhận, các nhà quản lý nên nghiên cứu cách khác. Cụm từ “vi phạm thuần phong mỹ tục” khá mông lung, cần có tiêu chí, ví dụ để dễ hiểu và xử lý.

Hay như đại diện Sở VHTT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trực - trưởng phòng quản lý Nghệ thuật biểu diễn cũng thừa nhận đôi lúc việc cấp phép ca khúc vẫn mang nặng tính hình thức. Cụ thể như khi xin cấp phép, các ca khúc chỉ cần nộp một bản photo bản nhạc, tức là duyệt trên giấy, đến khi tổng duyệt mới thực sự được nghe bài đó ra sao, âm nhạc thế nào...

Hiện nay xuất hiện một số xu hướng sáng tác ca khúc nhạc trẻ như viết lời trên nền tiết tấu theo phong cách Rap, Hiphop “đọc” nhiều hơn “hát” với những ca từ hời hợt, nội dung lan man, thậm chí ngây ngô, gây khó hiểu cho người nghe. Hay như sáng tác ca khúc về tình yêu đôi lứa nhưng nội dung thiên về sự đau khổ, mất niềm tin, hy vọng, hoặc cứ “yêu nhau” mà không cần quan tâm đến mọi người, thế giới xung quanh… Đại diện Sở VHTT Hà Nội cũng đề nghị, nên linh hoạt hơn đối với các trường hợp tổng duyệt mà đơn vị biểu diễn xin đổi bài (thay vì phải làm đủ thủ tục 5 ngày), có thể duyệt ngay, cấp phép ngay. Bởi thực tế có những tác phẩm được thẩm định qua các hội đồng nghệ thuật trước khi ra công chúng lại không được giới trẻ yêu thích.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng: Cơ quan quản lý thay vì tìm cách đưa ra những giải pháp mang tính hạn chế cần phải có những biện pháp khuyến khích sáng tạo các tác phẩm chất lượng, hấp dẫn, giảm bớt những thủ tục rườm rà khi cấp phép các chương trình nghệ thuật do các đơn vị uy tín thực hiện.
Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, cần hạn chế thủ tục tiền kiểm, tăng hậu kiểm. “Chế tài hậu kiểm chặt chẽ, phạt thật nặng thì có tính răn đe” - Thứ trưởng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp phép ca khúc: Đầu xuôi, đuôi có lọt?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO