Chế tài nhẹ bẫng, vi phạm bản quyền tràn lan

Minh Quân 03/06/2016 00:50

Các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ cũng là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm.

Chế tài nhẹ bẫng, vi phạm bản quyền tràn lan

Các đại biểu tham gia Diễn đàn bản quyền Hàn Quốc - Việt Nam 2016.

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) và Văn phòng đại diện Uỷ ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Bản quyền tác giả Việt Nam. Từ bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, mới thấy công tác bản quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng.

Vẫn chỉ nghiên cứu mô hình

Cụ thể, tại Diễn đàn Bản quyền tác Việt Nam – Hàn Quốc năm 2016 các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 chuyên đề: Hiện trạng và xu hướng trong chính sách và pháp chế về bản quyền tác giả của hai quốc gia theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc; Hiện trạng và xu hướng của ngành công nghiệp bản quyền tác giả của 2 quốc gia theo VKFTA lĩnh vực truyền hình, âm nhạc, kỹ thuật.

Trong đó, một trong nhưng khẳng định chung của các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc đó là hiện nay khi môi trường kỹ thuật số phát triển, đặc biệt là công nghệ phát triển một cách nhanh chóng thì vấn đề tạo điều kiện cho việc sáng tạo, sử dụng trên môi trường internet cũng ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên chính sự phát triển này mà vấn đề vi phạm bản quyền trong môi trường internet cũng ngày càng dễ dàng hơn.

Có thể thấy sau nhiều năm, trước và sau khi ký hiệp định FTA, là một nước đi đầu trong việc bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, Hàn Quốc cũng giúp Việt Nam đào tạo trong việc xây dựng chính sách pháp luật và thực thi. Đặc biệt, trong quá trình hợp tác thông qua những chương trình để trên cơ sở đó xây dựng nên những lộ trình cụ thể, đang trong những bước để tiến hành lộ trình với nhau. Từ việc học tập những phát triển trong việc bảo vệ bản quyền từ phía Hàn Quốc trong việc có thể quản lý môi trường trên mạng internet.

Thế nhưng, trong khi hiện nay Hàn Quốc có những cơ chế rất đặc thù thì với các cơ quan quản lý Việt Nam vẫn chỉ đang trong quá trình nghiên cứu những mô hình để học tập từ phía các bạn.

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VHTT&DL) thừa nhận: “Hiện nay vấn đề vi phạm còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực… Trên thực tiễn còn có những khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi.

Thứ nhất về chủ quyền nhiều đơn vị vẫn chưa chủ động trong việc phát hiện ra xâm phạm, chủ động yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Nhiều đơn vị vi phạm chưa xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường theo các cơ chế như dân sự. Đồng thời các cơ quan quản lý thực thi vẫn còn thiếu về nhân lực, nguồn lực dẫn đến những bất cập trong việc quản lý”.

Vi phạm bản quyền tràn lan

Theo ông Trương Xuân Thanh – Phó Chủ tịch BHD Việt Nam: “Việc phạm bản quyền là hành vi ăn cắp trí tuệ và tài sản của các chủ sở hữu phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Song đáng tiếc tại Việt Nam vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến vẫn còn phổ biến do chưa đặt vấn đề này đúng tầm, chưa có những chiến dịch cụ thể tuyên truyền đủ độ sâu và không có sức lan tỏa trong cộng đồng vì vậy vi phạm bản quyền còn đồng nghĩa với việc người ta đang sử dụng của chùa”.

Ông Thanh cũng dẫn chứng với số lượng lớn sản phẩm có bản quyền của công ty đang lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, công ty chúng tôi đang là nạn nhân của hành vi vi phạm bản quyền và gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho công ty và các đối tác. Đối với việc vi phạm bản quyền trở nên ngày càng cấp bách. Chính ví vậy thời gian qua, công ty đã phối hợp với đại diện của các mạng xã hội như Youtube, Google tiến hành các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền trên mạng xã hội hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận đối với Facebook và Google việc phát tán các sản phẩm trên những mạng này vô cùng nhanh chóng vì vậy ngăn chặn rất khó khăn. Song việc hợp tác phức tạp và mất thời gian, bản thân công ty phải tự tìm những địa chỉ, đường dẫn có hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với những trang website thì việc ngăn chặn phức tạp vô cùng.

“Có thể thấy chúng ta chỉ đi tìm được các hành vi vi phạm mà không tìm được và chỉ đích danh kẻ vi phạm. Trước hết chúng ta cần phải có những công cụ để có thể ngăn chặn kịp thời, sau đó trên cơ sở đó chuyển cho các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp chế tài và nếu cần thiết có thể lấy đó làm chứng cứ để kiện ra tòa án nhằm răn đe những kẻ khách và nếu cần đòi bồi thường thiết hại cho các công ty bị hại”- ông Thành cho hay.

Hay như đề nghị của ông Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Kho tác phẩm của trung tâm được ủy quyền lên tới 127.000 tác phẩm nhạc Việt Nam được đăng ký trên mạng Mis@Asia và CIS – NET với có mã số ISWC toàn cầu.

Trong năm 2015, số tiền Trung tâm tiến hành nhập liệu phân phối, chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm cả nhạc Việt Nam và Quốc tế) là hơn 62 tỷ. Tuy vậy, trung tâm cũng đang gặp một khó khăn lớn đó là công nghệ phần mềm để tác nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh truyền hình, nhạc số, hoạt động lưu trữ, phân phối cho các thành viên”.

Trong khi các chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ cũng là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm.

Nhưng bên cạnh đó không thể không nói tới ý thức của công chúng nhìn nhận về vấn đề bản quyền, ý thức tự bảo về sản phẩm tinh thần của người cầm bút. Nếu tự thân mỗi người không có ý thức về bản quyền thì chuyện vi phạm bản quyền, nhiều quá hóa… quen là chuyện không có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chế tài nhẹ bẫng, vi phạm bản quyền tràn lan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO