Chèo - vắng bóng tài năng trẻ

Minh Quân 14/10/2016 10:15

Sau 2 tuần tranh tài tại Ninh Bình, cuộc thi Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016 đã khép lại. Bên cạnh những tấm huy chương được trao cho các vở diễn xuất sắc thì có một thực tế mà chính các thành viên BGK phải thừa nhận: cuộc thi mới chỉ thành công ở số lượng mà chưa có được những tác phẩm chất lượng xứng đáng “vàng mười”.

Cảnh trong vở “Tấm lòng vàng”. (Ảnh: Thúy Hiền).

Sân chơi của những “lão làng”

Cuộc thi Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc – 2016 có sự tham gia của gần 800 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 16 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống trên toàn quốc. Các nhà hát đã mang đến cuộc thi 27 vở diễn với các đề tài khác nhau như dân gian, lịch sử, dã sử, truyền thuyết, huyền thoại, danh nhân địa phương và hiện đại. Trong đó, BGK đã trao 5 huy chương Vàng (Nàng Thứ phi họ Đặng - Nhà hát Chèo Hà Nội; Không phải là vụ án - Nhà hát Chèo Nam Định; Tấm lòng vàng - Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa; Dây tràng hạt diệu kỳ - Nhà hát Chèo Việt Nam; Đời luận anh hùng- Nhà hát Chèo Quân đội), 5 huy chương Bạc (Bùi Viện - Nhà hát Chèo Thái Bình; Lưu Bình trả nghĩa - Nhà hát Chèo Ninh Bình; Cánh chim trắng trong đêm - Nhà hát Chèo Hà Nội; Tình mẫu tử - Nhà hát Chèo Hưng Yên; Giai nhân và anh hùng - Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc). Về cá nhân, BTC đã trao 42 huy chương Vàng, 81 huy chương Bạc cho các nghệ sĩ, diễn viên.

Dẫu vậy danh sách giải thưởng không khỏi khiến những người làm nghề buồn lòng. Bởi hầu hết các phần nhiều đều thuộc về những gương mặt “lão làng” trong khi các tài năng trẻ hoàn toàn vắng bóng. Nhà viết kịch Xuân Đức, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi nhận xét: Cuộc thi không đạt tới yếu tố tổng thể về kịch bản, đạo diễn, diễn xuất ở trình độ cao, cho nên chưa có được những vở diễn thật sự ghi dấu ấn. Cuộc thi thiếu vắng những “vàng mười” về vở diễn, những tài năng trẻ của sân khấu chèo....

Trăn trở của nhà viết kịch Xuân Đức cũng là nỗi lòng của những nghệ sĩ chèo hiện nay. Với các cuộc thi chèo nói riêng hay nghệ thuật truyền thống nói chung, để có một cuộc thi qui mô toàn quốc thì nhiều lắm một năm cũng chỉ tổ chức được một lần. Trong khi các tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì mỗi tấm huy chương ở cuộc thi lại là “điểm cộng” quan trọng để vinh danh những người nghệ sĩ. Từ đó, vô hình trung chính mỗi đơn vị chèo đang phải “cơ cấu” theo nguyên tắc người trẻ nhường cho người già khi tuyển chọn nghệ sĩ khi tham gia các cuộc thi. Chưa kể, nhiều vở diễn đã thêm nhiều trích đoạn để tạo đất cho diễn viên vai phụ đã khiến cấu trúc vở kịch “hỗn loạn”, không theo nguyên tắc cốt truyện ban đầu.

Đi thi cốt để lấy huy chương

NSND Đào Lê- Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét: Nhiều vở diễn tại cuộc thi được sáng tác, xây dựng theo ngẫu hứng của đạo diễn trên sàn tập. Thậm chí, chính ông Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng phải ngao ngán khi thừa nhận có những vở không thể gọi là chèo mà chỉ kịch nói cắm hát, lồng làn điệu. “Phải chăng một số nhà hát mang 2, 3 vở đi thi trong đó có ít nhất 1 vở chỉ có mục đích để... diễn viên kiếm huy chương, chờ phong danh hiệu?” - NSND Đào Lê bức xúc.

Hay ở góc độ trình diễn, tác giả chèo Mai Văn Lạng lại nhận định: Áp lực danh hiệu đã ảnh hưởng đến tâm lý nghệ sĩ ở cuộc thi. Nghệ sĩ nào cũng muốn dành huy chương nên mạnh ai người nấy diễn, tình huống chưa đáng hát cứ hát, chưa cần múa thì cũng múa, ăn mặc và hóa trang không phù hợp với tính cách nhân vật khi cố gắng làm quá đậm... Vì vậy mà vở diễn bị kéo dài phi logic khi diễn viên mạnh ai nấy diễn để mình nổi bật hơn bạn diễn”.

Nhưng có một điều đáng mừng: khán giả luôn ngồi chật kín Nhà văn hóa tỉnh Ninh Bình trong suốt 14 ngày diễn ra cuộc thi. Có thể nói đây mới là điều mà nghệ thuật chèo đang mong muốn. NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng phải thừa nhận, khán giả đến với cuộc thi rất “fair play”. Suốt 27 vở diễn không có hiện tượng ồn ào từ phía khán giả. Khán giả là những vị giám khảo khách quan nhất khi mà mỗi câu hát, mỗi cảnh diễn ấn tượng lập tức lại vang lên những tràng pháo tay khen ngợi.

Theo như nhận xét của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên: Chứng kiến cảnh khán giả say mê với chèo tại cuộc thi, các đơn vị nghệ thuật, các tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ sẽ phải thấy trách nhiệm của mình. Đó là không thể làm và diễn hời hợt được…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chèo - vắng bóng tài năng trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO