Chuyên gia Singapore 'hiến kế' cho bảo tàng Việt

Minh Quân 23/07/2019 07:15

Nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực hành nghiệp vụ chuyên môn bảo tàng học, trong 2 ngày 22 và 23/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu, Sưu tầm, Trưng bày và Quản lý sưu tập bảo tàng”.

Chuyên gia Singapore 'hiến kế' cho bảo tàng Việt

Một triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

Tham dự Tọa đàm còn có đại biểu đến từ các bảo tàng quốc gia ở Hà Nội và các bảo tàng mỹ thuật ở TP HCM, Đà Nẵng và Huế. Theo đó, tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đến từ Singapore đã giới thiệu về sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực hành nghiệp vụ chuyên môn bảo tàng học với cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài các buổi thảo luận chung, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận, trao đổi kinh nghiệm xung quanh trách nhiệm quản lý và bảo quản bộ sưu tập, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra đối với việc vận chuyển hiện vật…

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore là Bảo tàng Mỹ thuật mới khánh thành trong thời gian 4 năm nhưng đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật hàng đầu trên thế giới bởi uy tín, thương hiệu, giá trị và sự chuyên nghiệp.

Mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 đơn vị năm 2015, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã cho Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore mượn tác phẩm sơn mài “Bình minh trên nông trang” (Nguyễn Đức Nùng, 1958) trong thời hạn 1 năm để trưng bày dịp khánh thành Bảo tàng. Sự kiện đã góp phần tạo sự thành công của không gian trưng bày của bảo tàng bạn, đồng thời cũng góp phần giới thiệu, quảng bá mỹ thuật Việt Nam với công chúng Singapore và du khách quốc tế… “Với kiến thức và kinh nghiệm thực tế, qua tọa đàm này, các chuyên gia đến từ Singapore chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam về những vấn đề mà các bảo tàng hiện đang quan tâm như: sưu tầm và số hóa tài liệu lưu trữ, công tác lập kế hoạch trưng bày và vai trò của giám tuyển trong việc nghiên cứu và phát triển trưng bày; công tác quản lý hiện vật; bảo quản phòng ngừa; đóng gói, vận chuyển…” - ông Minh kỳ vọng.

Cũng tại buổi Tọa đàm, bà Lisa Horikawa - Giám tuyển cao cấp phụ trách Phát triển Trưng bày, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore cho biết: “Chúng tôi là một bảo tàng mới, trẻ nhưng trọng tâm nhiệm vụ là nghiên cứu giới thiệu về lịch sử nghệ thuật của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào thế kỷ 19-20. Chúng tôi có khoảng 8.000 tác phẩm nghệ thuật trong kho”.

Xung quanh câu chuyện đảm bảo tính xác thực nguyên gốc trong các tác nghệ thuật, bà Lisa Horikawa nhìn nhận đây là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước Đông Nam Á đều có.

“Hy vọng trong tương lai, công nghệ phát triển, công tác giám định sẽ tốt hơn” - bà Lisa Horikawa bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên gia Singapore 'hiến kế' cho bảo tàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO