Cổ tích trong mùa dịch

Minh Quân 05/03/2020 07:18

Sân khấu Lệ Ngọc vừa trình làng khán giả thủ đô vở kịch “Cây tre thần”. Đây là nỗ lực lớn của các nghệ sĩ trước tình hình dịch bệnh Covid-19.

Cổ tích trong mùa dịch

Cảnh trong vở diễn “Cây tre thần”.

Tiếp nối thành công của những vở diễn mang phong cách dân gian như “Tấm Cám”, “Thị Nở - Chí Phèo”, “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”... “Cây tre thần” được dàn dựng dựa trên câu truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”. Tích chuyện xưa, qua sự phóng tác của tác giả Lê Thế Song đã có một “hình hài” vừa lạ vừa quen.

Tại vở diễn hai nhóm thiện, ác xung đột khá quyết liệt. Trong nhóm thiện có anh nông dân Đức. Anh được Hạnh - cô con gái thiện lương trong sáng của ông bà Chánh yêu thương và những người làm khác trong nhà quý mến, ủng hộ. Có Vại, Chum... Quan trọng là Đức có được quyền năng của Tiên Tre khi anh vào rừng tìm cây tre trăm đốt, bị kẻ tình địch là Trương Dáng làm hại. Nhóm ác khá đông và hung hãn với đội ngũ chức sắc trong làng như lão Chánh hay thậm chí là quan chức cỡ lớn như Bạch Hổ; thêm nữa là bà Chánh tham tiền, độc ác, và anh chàng con rể bất thành nhân dạng Trương Dáng cùng đám người hầu... Cả hai nhóm đã thực sự đối đầu khá quyết liệt. Như nhân vật Trương Dáng ban đầu đem tới cảm giác kẻ ngu dốt, hài hước vì bộ dáng lệch lạc nhưng sau đó, hàng loạt những tác động như nghe theo lời bà Chánh, âm mưu giết Đức, đốt cả rừng tre để che giấu tội ác nhằm chiếm đoạt bằng được cô Hạnh... Đức chân thành, giỏi võ, yêu thiên nhiên... đã tay không đấu lại với âm mưu của cả nhóm ác nhưng anh đã cân bằng lại thực lực nhờ vào sự giúp sức có phần ngây ngô của cậu béo Chum... Cuối cùng, cái kết “viên mãn” cũng tới, nhờ vào quyền năng của Tiên Tre, Đức đã khiến những kẻ gian ác bị khắc nhập dính vào thân tre lớn, bị biến thành những chiếc rễ tre để tìm kiếm chất nuôi sống cây... Chỉ khi kẻ ác biết hối hận, chúng mới có thể trở lại hình hài con người...

Bên cạnh đó, tác giả cũng gửi gắm trong vở diễn ý tưởng về môi trường đang nóng hiện nay. Đó là câu chuyện về sự nổi giận của Tiên Tre trước hành động chặt cây, đốn rừng. Hay là những nhắn gửi khá thâm thúy về nhân tình thế thái, về đạo làm quan.

Một điểm nhấn thành công khác của vở diễn chính là mang đến cho khán giả một biểu tượng văn hóa của Việt Nam - hình ảnh cây tre. Ở đó, ê-kíp sáng tạo của sân khấu Lệ Ngọc đã khéo léo tạo nên một sân khấu được phủ xanh bằng hình ảnh quen thuộc của lũy tre làng. Cũng với đó, những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam được lồng ghép với tiếng sáo tre hòa cùng những bài hát dân ca, những điệu múa truyền thống, những trò chơi dân gian và cả những điệu võ sáo... Tất cả đã làm nên một không gian đậm chất làng quê Việt.

Sức hấp dẫn của “Cây tre thần”, bên cạnh những độc đáo trong dàn dựng, thiết kế sân khấu, còn phải kể tới diễn xuất tài tình của các diễn viên. Các vai diễn bà Chánh (NSND Lệ Ngọc), ông Chánh (nghệ sĩ Thanh Bình), Đức (nghệ sĩ Lâm Cương) để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả. Đặc biệt, bên cạnh những gương mặt gắn bó với sân khấu Lệ Ngọc lâu nay, thì có một nhân vật được công chúng đặc biệt quan tâm là nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trang phục Việt. Không chỉ giữ vai trò thiết kế trang phục cho các vai diễn, nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng còn đóng vai Quan Bạch Hổ trong vở diễn. Và dường như với lần thử sức này, nhà tạo mẫu đã tạo nên một ấn tượng với khán giả với cách diễn hài rất “có duyên”.

Bằng những nỗ lực cũng từng thành viên sân khấu Lệ Ngọc ngay khi vở diễn chính thức ra mắt khán giả “Cây tre thần” đã nhận được sự đón nhận từ khán giả. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hầu hết các buổi diễn “Cây tre thần” đã thu hút được một số lượng lớn khán giả. Được biết, không chỉ dừng lại với những suất diễn ở Hà Nội, theo kế hoạch “Cây tre thần” sẽ được sân khấu Lệ Ngọc mang đi biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh. Vở diễn cũng được lên kế hoạch sẽ lưu diễn quốc tế để phục vụ các kiều bào Việt Nam. Với vở diễn này, thêm một lần nữa, sân khấu kịch xã hội hóa hiếm hoi của khu vực phía Bắc lại khẳng định sự kiên trì trong xu hướng tìm về khai thác những giá trị văn hóa truyền thống. Và có thể nói, việc mạnh dạn ra mắt vở diễn được xem điểm sáng đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các sàn diễn rất e ngại bởi việc bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Lại càng đáng khích lệ hơn trong bối cảnh các đơn vị công lập đang bị “tối đèn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ tích trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO